Phải thay đổi

Khi nói về TPP, bên cạnh những cơ hội một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng, câu chuyện về thách thức cho nhiều nhóm ngành khác cũng được nói tới. Song theo một vài nhận định, thách thức cũng nên được nhìn theo hướng tích cực.

Khi nói về TPP, bên cạnh những cơ hội một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng, câu chuyện về thách thức cho nhiều nhóm ngành khác cũng được nói tới. Song theo một vài nhận định, thách thức cũng nên được nhìn theo hướng tích cực.

 “Ngành chăn nuôi chấp nhận hy sinh cho TPP” đã từng là tựa được đặt cho khá nhiều bài báo khi nói về ngành này trước thềm TPP. Song ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, lại không đồng tình trước những thông tin cho rằng ngành nông nghiệp nói chung đã không được quan tâm trong đàm phán TPP. Theo ông Thái, trong biểu cam kết của Việt Nam, lộ trình thuế dài nhất áp dụng cho mặt hàng nông nghiệp lên đến 20 năm. Có một số mặt hàng chúng ta không mở cửa chính là hàng nông sản. Tất nhiên cũng có những mặt hàng không thể bảo hộ mãi, trong đó có chăn nuôi. Hiện nay dù mức thuế nhập khẩu thịt của Việt Nam đang ở mức 15-25%, song trước thực tế chi phí sản xuất của Việt Nam lại cao hơn nhiều nên kể cả khi chưa có TPP để cạnh tranh công bằng chúng ta cũng không đấu lại. Mặc dù vậy, TPP giảm thuế có lộ trình trong 10 năm.  “Có hy sinh, nhưng chỉ là những hy sinh nhất định. Chúng ta phải tạo áp lực để sản xuất tốt hơn. Nếu duy trì bảo hộ như hiện nay giá thịt trong nước có giảm không?” - ông Thái nhấn mạnh.

Thực ra đây không chỉ là cái nhìn của riêng ông Thái. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cũng cho rằng quan niệm ngành chăn nuôi hy sinh là sai. “Tại sao Thái Lan, điều kiện như ta họ lại xuất khẩu được thịt sang Nhật Bản, là một thị trường rất khó tính. Lượng xuất của họ không phải nhỏ. Riêng thịt gà đã tới 4,5 tỷ USD/năm. Việt Nam sao không làm được?” - ông Lịch đặt câu hỏi. Có thể thấy ngành chăn nuôi Việt Nam đang có vấn đề và cần phải khắc phục, chứ không thể duy trì bảo hộ. “Sẽ có những người bị ảnh hưởng, nhưng lại có những người khác nhìn thấy cơ hội. Chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ tốt hơn” - ông Thái nói thêm.

Thực ra, không chỉ trong chăn nuôi mà trong một số lĩnh vực khác, chính áp lực từ TPP sẽ buộc các DN phải thay đổi. Câu chuyện bản quyền phần mềm là một thí dụ. Lâu nay số lượng các DN sử dụng phần mềm không có bản quyền vẫn chiếm tỷ lệ quá lớn. Nhưng nay khi có TPP mọi chuyện sẽ khác. Trước hết, nhìn lại những con số thanh tra chắc nhiều người không khỏi giật mình. Năm 2014, cơ quan thanh tra kiểm tra 83 DN thì có tới 76 DN dùng phần mềm không có bản quyền; trong 11 tháng qua con số này cũng không thuyên giảm khi kiểm tra 78 DN có tới 73 DN vi phạm. Việc dùng phần mềm không có bản quyền có thể khiến các DN Việt Nam mất đi cơ hội làm ăn cùng các đối tác, vì bản quyền là một phần trong chương về sở hữu trí tuệ của TPP.

Có thể thấy, câu chuyện về TPP sẽ còn được bàn tới trong rất nhiều hội thảo, bàn tròn, song các DN sẽ phải chuẩn bị tốt nhất để dấn bước vào cuộc chơi này.

Các tin khác