Đặc biệt về giá cước, dưới nhiều hình thức như cung cấp dịch vụ dưới giá thành, khuyến mại giảm giá liên tục… Trong bối cảnh này nhà mạng nào không có sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động có thể sẽ phá sản.
Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, TTVT Việt Nam trong 10 năm gần đây đã phát triển với tốc độ nhanh và được mở cửa hoàn toàn. Toàn thị trường có 70 DN VT đang hoạt động, trong đó có 37 DN được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng, 33 DN cung cấp dịch vụ VT.
Tính tới hết tháng 6-2017, mật độ thuê bao di động đạt 124 thuê bao/100 dân; thuê bao băng rộng di động 50 thuê bao/100 dân; thuê bao băng rộng cố định 11 thuê bao/100 hộ gia đình. Chất lượng dịch vụ VT ngày càng được cải thiện, giá cước liên tục giảm nhưng doanh thu vẫn giữ mức tăng trưởng ổn định, tổng doanh thu phát sinh lĩnh vực VT năm 2016 tăng 7,5% so với năm 2015.
Tuy nhiên, TTVT Việt Nam đang ở vào thời điểm gần bão hòa, rất khó thu hút, phát triển thêm thuê bao mới trên tất cả dịch vụ. Bên cạnh đó, các nhà mạng đang gặp thách thức rất lớn là sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và những ứng dụng OTT (các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào). Nếu điều này kéo dài, DN VT sẽ đối mặt nguy cơ phá sản, thị trường đổ vỡ, gây tác động không nhỏ tới hoạt động của các ngành kinh tế - xã hội khác.
Hiện nay, lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt nhất trên TTVT chính là dịch vụ VT di động. Theo thống kê, đến cuối 2016 tổng số thuê bao điện thoại di động cả nước đạt trên 128 triệu thuê bao. Thị trường cung cấp dịch vụ VT di động (gồm cả 2G và 3G) hiện có sự góp mặt của 5 DN: Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile và GTel. Sự cạnh tranh giữa các DN này không còn chỉ về giá mà còn về năng lực hạ tầng, đường truyền, sự sáng tạo dịch vụ…
Theo đó, những DN VT làm tốt các khâu này sẽ tiếp tục tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, trong cạnh tranh, yếu tố chống độc quyền phải được đặt lên hàng đầu nhằm tạo ra sự phát triển lành mạnh cho thị trường, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng. Đây là một vấn đề các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét, áp dụng chặt chẽ trong bối cảnh TTVN đang có xu hướng cạnh tranh ngày càng khốc liệt.