Như vậy, nếu tốc độ tiêm vaccine nhanh và rộng rãi hơn, cuộc sống của con người trên hành tinh sẽ trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Nhưng để đạt được mục tiêu này, nhân loại phải vượt qua 2 thách thức lớn là tiêm chủng vaccine Covid-19 và sự phối hợp của hệ thống y tế các nước.
Phân biệt tiêm chủng Covid-19 và Covid da vàng?
Thực tiễn cho thấy bất kể nguồn cung cấp vaccine cho một quốc gia có đầy đủ như thế nào chăng nữa, sẽ không thể mong đợi tất cả mọi người đều được tiêm chủng. Tại Mỹ nhiều người dân vẫn còn thờ ơ với việc tiêm chủng ngừa Covid-19, thậm chí ở một số tiểu bang đã phát sinh tình trạng dư thừa vaccine đến mức phải tìm cách xuất khẩu. Như vậy, trong tương lai tại bất kỳ thời điểm nào, sẽ có những nhóm người trong cộng đồng chưa được tiêm chủng.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào xã hội phân biệt được những người đã được chủng ngừa và những người chưa được tiêm chủng? Từ đó lại phát sinh thêm câu hỏi khác, liệu có nên có những quy định khác nhau cho 2 loại này hay không?
Trên thực tế, một số hãng hàng không quốc tế đã thông báo yêu cầu trong tương lai đối với bằng chứng tiêm chủng từ hành khách trước khi lên máy bay. Trong khi đó, cho đến nay, vaccine duy nhất bắt buộc khi đi du lịch quốc tế là đối với bệnh sốt vàng da, thậm chí chỉ cần tiêm khi du khách đến và đi từ quốc gia có dịch bệnh. Chứng chỉ Tiêm chủng Quốc tế được trao bất cứ khi nào một người nhận được vaccine sốt vàng da đã được phê duyệt, và khuôn khổ này được điều chỉnh bởi Quy định Y tế Quốc tế (IHR) dưới sự điều chỉnh của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vì bệnh sốt vàng da chỉ tồn tại đặc thù ở một số quốc gia ở vùng nhiệt đới, nơi tổng lưu lượng giao thông quốc tế tương đối nhẹ, giấy chứng nhận tiêm chủng vẫn ở dạng giấy được các quan chức kiểm soát biên giới kiểm tra khi xuất nhập cảnh.
Nhưng Covid-19 không còn là “đặc sản” của riêng quốc gia nào. Điều này dẫn đến việc hệ thống chứng nhận vaccine ngừa Covis-19 phải có khả năng mở rộng và thích ứng cho hàng tỷ người trên toàn thế giới. WHO sẽ phải đưa ra các hướng dẫn mới theo IHR để công nhận vaccine ngừa Covid-19, cũng như phối hợp thiết lập hệ thống chứng nhận toàn cầu dưới dạng điện tử.
Theo GS. Teo Yik Ying, Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chỉ riêng quá trình công nhận đã chứa đầy nguy cơ chính trị lớn, do sự thiếu minh bạch về hiệu quả và độ an toàn của một số vaccine tại một số quốc gia.
Thách thức về hệ thống thông tin y tế
Chưa tính đến chuyện ra nước ngoài, người dân trong một quốc gia hay cộng đồng cũng phải xuất trình bằng chứng về việc đã tiêm chủng để có thể di chuyển và tương tác với những người khác một cách tự do hơn. Điều này đòi hỏi một khuôn khổ quốc gia để ghi lại thông tin những người đã được tiêm chủng, và những hồ sơ này có thể cho các cá nhân hay doanh nghiệp truy cập. Đáng mừng, nhiều nước đã có hệ thống quốc gia để ghi lại và xác minh việc tiêm chủng. Hệ thống này có thể được sửa đổi và điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Tại Singapore, lịch tiêm chủng quốc gia cho trẻ em và người lớn có thể được bổ sung để bao gồm cả vaccine ngừa Covid-19. Sau đó, thông tin có thể được liên kết trực tiếp với một nền tảng kỹ thuật số, như ứng dụng truy vết TraceTogether nhằm xác minh việc tiêm chủng - yếu tố quan trọng để cho phép tiếp tục các hoạt động và tụ tập đông người.
Đối với những quốc gia vẫn đang trong quá trình thiết lập hoặc cải thiện hệ thống thông tin y tế, việc thúc đẩy ghi nhận và xác minh tiêm chủng ngừa Covid-19 đúng cách có thể huy động được nguồn tài trợ viện trợ phát triển ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, khi các quốc gia áp dụng các giải pháp của riêng mình để ghi lại và xác minh việc tiêm chủng, việc hướng tới sự đồng thuận và thống nhất toàn cầu có thể không khả thi, nếu không có một khuôn khổ quốc tế bao quát. Bởi lẽ, hồ sơ thông tin y tế của một nước phải được thực hiện tương thích với một hệ thống quốc tế để cho phép công nhận và sử dụng các chứng nhận điện tử đó qua biên giới. Như vậy, cần phải có các khuôn khổ điều phối quốc tế và cơ sở hạ tầng thông tin đồng bộ sau khi đã có vaccine an toàn và hiệu quả, để chuyển thành trạng thái bình thường trước Covid-19. Trước mắt, một số quốc gia có thể hình thành các thỏa thuận song phương công nhận các chiến lược tiêm chủng lẫn nhau để khởi động lại hoạt động du lịch quốc tế.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), du lịch hàng không toàn cầu sẽ phục hồi mạnh mẽ vào năm 2023, khi các quốc gia triển khai vaccine ngừa Covid-19 và học cách quản lý đại dịch. Số lượng hành khách sẽ phục hồi lên đến 52% mức trước Covid vào cuối năm 2021, đạt 88% vào năm 2022, vượt qua mức trước Covid-19 là 5% vào năm 2023.
Nhu cầu du lịch sẽ tăng khi tiêm chủng và xét nghiệm đã được thực hiện đại trà. Theo ông Willie Walsh, tổng giám đốc mới của IATA, thách thức trước mắt là mở lại biên giới, loại bỏ các biện pháp cách ly và quản lý kỹ thuật số giấy chứng nhận tiêm chủng/xét nghiệm. Song điều này phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác của chính phủ các nước và ngành hàng không.
Để mọi thứ trở lại bình thường phải bao phủ tiêm chủng 70-85% dân số toàn cầu. Điều này đang gặp thách thức về quãng thời gian hoàn thành tiêm chủng sẽ có sự chênh lệch lớn giữa các nước. |