Tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc
Đề cập đến những kết quả tích cực, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền quốc gia 5 năm 2016-2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, ngành, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ, tuy có nhiều biến động, khó khăn, nhất là những thách thức lớn từ tình hình dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến một số chỉ tiêu không đạt được như kế hoạch đề ra, nhưng vẫn là một năm thành công của nước ta. Việt Nam được coi là điểm sáng trên thế giới cả về phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế.
“Đây là những thành tích rất đáng trân trọng, tự hào, là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo thế và lực mới để đất nước vững bước vào giai đoạn tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với tinh thần tiếp tục đổi mới tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm của khu vực đô thị, nông thôn, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền TPHCM trong giai đoạn tới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều thời cơ và vận hội mới (năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ năm 2021-2026, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030…), tuy nhiên, dự báo nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.
Vì vậy, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, ngành và kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần dân tộc, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, chủ động, trách nhiệm cao để thực hiện mục tiêu phòng chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế; phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch, tạo nền tảng để bước vào giai đoạn phát triển mới…
Trước mắt, tiếp tục quan tâm, ủng hộ, chia sẻ, chung tay giúp đỡ đồng bào tại các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bố trí vốn cho một số dự án khắc phục hậu quả thiên tai
Trước khi bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Quốc hội yêu cầu việc bố trí vốn đầu tư công giai đoạn năm 2021-2025 phải lưu ý bố trí vốn cho một số dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, gia cố hệ thống đê xung yếu, kè sông biên giới, hạ tầng cảng nghề cá, khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh, trú bão; quy hoạch và bố trí lại dân cư vùng bị tác động trực tiếp bởi thiên tai; xây dựng trụ sở các cơ quan tư pháp.
Quốc hội cũng giao Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh các giải pháp triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhất là các cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách để phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố trong giai đoạn tới, đồng bộ với việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố và bảo đảm hiệu quả quyền giám sát của nhân dân; có phương án giải quyết dứt điểm việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố đã được phê duyệt; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến phương án sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.
Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định; Chính phủ giao Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua; đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A…
*Chiều 17-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Đáng chú ý, trong lĩnh vực giáo dục, Quốc hội yêu cầu tăng cường kiểm soát chất lượng, hiệu quả biên soạn, thẩm định sách giáo khoa; bảo đảm điều kiện về đội ngũ nhà giáo và cơ sở vật chất để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
*Theo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội biểu quyết thông qua, chỉ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (ĐTM). Đối với các dự án đầu tư công, dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) hoặc dự án đầu tư có nguồn vốn tư nhân không có tác động xấu đến môi trường mức độ cao, nhà đầu tư sẽ không phải làm ĐTM. Luật giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo ĐTM đối với các dự án đầu tư trên địa bàn thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của bộ, cơ quan ngang bộ, trừ các dự án thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
*Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua chiều 17-11, Quốc hội quyết nghị ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV, ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ năm 2021-2026 trong điều kiện bình thường, là ngày chủ nhật, 23-5-2021.