Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2020, hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng được từ 20 – 25% nhu cầu đi lại của người dân, trong đó xe buýt vẫn là lực lượng chủ đạo. Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, đề án phân làn ưu tiên cho xe buýt của thành phố Hà Nội là rất tốt nhưng việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, đề án phân làn ưu tiên cho xe buýt của thành phố Hà Nội là rất tốt nhưng việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn. |
Hàng nghìn lượt xe buýt bỏ bến do tắc đường
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, riêng trong năm 2018 có đến 180.000 lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu hoặc buộc phải điều chỉnh lộ trình do tắc đường, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành Giao thông đô thị Hà Nội, ban đầu có thể có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc hạ tầng không đáp ứng được phân tách làn đường dành cho xe buýt, có thể gây cản trở đến việc lưu thông của các phương tiện khác.
Đường Nguyễn Trãi – Hà Đông một trong những tuyến sẽ được tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. |
“Có thể thấy rõ đặc biệt là các đơn vị vận hành đang có nhu cầu rất cao về làn đường này. Vì chính làn xe buýt này sẽ tách xe buýt ra khỏi giao thông chung tạo ra sự vận hàng thông thoáng hơn, thuận tiện hơn, rút ngắn thời gian đi lại, đảm bảo giờ giấc tốt hơn”, ông Hải nói.
Ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội lạc quan và tin tưởng, việc khôi phục làn đường dành riêng cho xe buýt trên trục Nguyễn Trãi là khả thi.
“Đường Nguyễn Trãi có mặt cắt rất rộng, đảm bảo đủ không gian bố trí, cùng với đó, lưu lượng xe buýt trên tuyến này đang chiếm tới trên 30% lượng xe buýt trên toàn thành phố, nếu có điều kiện cho xe buýt lưu thông tốt sẽ thu hút lượng khách rất lớn, trực tiếp giảm ùn tắc giao thông cho toàn tuyến. Tuyến này mặc dù dự kiến có tuyến đường sắt đô thị Hà Đông – Cát Linh sẽ được đưa vào hoạt động trong quý 3 năm nay nhưng tôi cho rằng vẫn không thể thiếu được vai trò của xe buýt trên trục tuyến này”, ông Nhật phân tích.
Các chuyên gia giao thông lắc đầu
Với đề án nghiên cứu và tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt trên nhiều tuyến đường, trong đó có trục Nguyễn Trãi - Trần Phú và 5 tuyến đường khác của TP Hà Nội, theo đánh giá của một số chuyên gia giao thông, đề án này là rất tốt nhưng việc triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc phân làn cho xe buýt chạy riêng sẽ gặp nhiều khó khăn. "Chắc chắn một điều là làm trong thời điểm hiện nay không thành công". |
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội khẳng định, hoan nghênh chủ trương trên của TP Hà Nội, bởi nó tạo điều kiện rút ngắn thời gian xe buýt lưu hành, giảm thiểu thời gian chờ đợi của hành khách và thu hút người dân tham gia di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng (xe buýt).
Tuy nhiên, ông Liên cũng cho rằng việc phân làn cho xe buýt chạy riêng sẽ gặp nhiều khó khăn. "Chắc chắn một điều là làm trong thời điểm hiện nay không thành công".
Theo ông Liên, để thực hiện được việc phân làn ưu tiên cho xe buýt, những yếu tố cần có gồm: lòng đường phải có chiều rộng 40-50m và phải có 4-5 làn đường (trong đó phải có làn đường dành riêng cho ô tô).
"Thực tế tại Việt Nam, ở Hà Nội hiện nay lòng đường khá hẹp (khoảng 17-20m) và có nhiều phương tiện tham gia giao thông hỗn hợp, bên cạnh đó, lòng đường lại có nhiều đường cắt ngang và mật độ dân số đi qua rất đông nên việc phân làn sẽ rất khó khăn", ông Liên nhận xét.
Ông Liên cho rằng, nhìn từ bài học của tuyến BRT đầu tiên của Hà Nội, tuyến xe buýt nhanh này đã trở thành tuyến xe buýt chậm, gây tốn kém cho Nhà nước và người dân.
Đường Hà Nội hiện nay chỉ có 3-4 làn, khi ưu tiên một làn dành riêng cho xe buýt thì đồng nghĩa những phương tiện giao thông khác phải di chuyển trên các làn đường còn lại và điều này sẽ gây ra ùn tắc thêm. |
“TP Hà Nội cần soi chiếu vào những thất bại của BRT để tạo ra một đề án tốt nhất về phân làn ưu tiên cho xe buýt. Đề xuất ý tưởng phân làn cho xe buýt cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ những “thất bại” của BRT để tạo ra một đề án tốt nhất”, ông Liên nói.
Tiến sĩ Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp của trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cũng nhìn nhận đề xuất của Hà Nội là tốt nhưng không thực tiễn.
"Ở Hà Nội hiện nay, các tuyến đường có rất nhiều mắt cắt ngang, vì vậy chỉ trên một tuyến đường có ít mặt cắt ngang thì thành phố mới nên nghĩ đến phương án ưu tiên cho xe buýt”, TS Từ Sỹ Sùa nói.
Còn theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia nghiên cứu về giao thông, chủ trương phân làn ưu tiên cho xe buýt của thành phố Hà Nội là rất tốt nhưng "cần phải có tính thực tiễn".
Các chuyên gia cho rằng, đề xuất ý tưởng phân làn cho xe buýt cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng từ những “thất bại” của BRT để tạo ra một đề án tốt nhất. |
“Tôi cho rằng giải pháp đặt đường riêng cho xe buýt về cơ bản cũng có mặt tốt. Tức là nếu có đường riêng thì xe đi nhanh hơn, đúng giờ hơn, thoáng hơn và không có các phương tiện khác cản trở. Tuy nhiên, với điều kiện phương tiện tham gia giao thông ở Hà Nội đang chật kín như thế này, mặt đường giao thông tại Hà Nội hiện nay lại rất hẹp, chỉ từ 6m đến 11m, thì việc phân làn dành riêng cho xe buýt sẽ lợi bất cập hại”, ông Thuỷ nói.
Ông Thuỷ chỉ ra rằng đường Hà Nội hiện nay chỉ có 3-4 làn, khi ưu tiên một làn dành riêng cho xe buýt thì đồng nghĩa những phương tiện giao thông khác phải di chuyển trên các làn đường còn lại và điều này sẽ gây ra ùn tắc thêm.
“Việc phân làn dành riêng cho xe buýt là không nên làm và nếu làm cần phải có lộ trình rõ ràng, cần nghiên cứu kỹ tuyến nào làm, tuyến nào không nên làm chứ không phải làm đại trà như ý kiến của Hà Nội được. Bởi hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện nay rất yếu kém, người dân còn chưa mặn mà với giao thông công cộng" ông Thuỷ phân tích.
Có thể thấy rằng việc bố trí làn đường riêng cho xe buýt là vô cùng cần thiết để đảm bảo hành trình thông suốt, hiệu quả. Muốn đạt được mục tiêu đó, thành phố cần có ngay những giải pháp cấp bách để phát triển hạ tầng dành riêng, nhằm nâng cao năng lực vận hành cho xe buýt.
Nhưng, để có thể triển khai thành công cần phải có những đánh giá chi tiết về điều kiện hiện tại, hiện trạng, cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông trên toàn mạng lưới từ đó đưa ra phương án phù hợp, đảm bảo tính kết nối. Không thể làm theo cảm tính, cứ thử hết lần này đến lần khác, rồi “rút kinh nghiệm” thì sợi dây “kinh nghiệm” ấy sẽ dài không hồi kết, lãng phí, tốn kém, ảnh hưởng đến người dân.