Nhận định nêu trên được chuyên gia giao thông đô thị - TS. Nguyễn Xuân Thủy trao đổi với PV sau 1 tháng Sở GTVT TP Hà Nội thí điểm phân tách làn ô tô, xe máy bằng dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân) và tiếp tục thí điểm triển khai đến cuối năm 2022.
PV: Thưa ông, sau 1 tháng TP Hà Nội thí điểm tách làn xe máy và ô tô đi riêng trên đường Nguyễn Trãi, ông đánh giá về hiệu quả của việc phân tách làn xe này như thế nào?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Việc phân tách làn đường cho xe ô tô, xe máy đi riêng đường như vậy mục tiêu thì rất là tốt, vì làm được thì phương tiện đi sẽ thoải mái, an toàn và có trật tự hơn và cũng có thể giảm bớt ùn tắc, tai nạn giao thông trên tuyến.
Tuy nhiên, chúng ta (TP Hà Nội-PV) đã có bài học kinh nghiệm từ năm 2015, TP đã phân làn xe máy riêng, ô tô riêng trên tuyến phố Bà Triệu, Phố Huế, Đại Cồ Việt-Trần Khát Chân, Giải Phóng…rồi, nhưng mà không có kết quả, đâu lại vào đó, xe máy với ô tô vẫn đi lẫn lộn vào nhau.
Việc chi hàng chục tỷ đồng để lắp đặt dải phân cách cứng “cưỡng bức” ô tô, xe máy đi theo đường dành riêng trên các tuyến phố này đến nay, tất cả đã thất bại và "mất dấu".
Rút kinh nghiệm những lần trước đó, từ 6/8/2022, TP Hà Nội có tổ chức làm lại phương án phân tách riêng làn xe máy và ô tô trên đường Nguyễn Trãi (đoạn Ngã Tư Sở - Khuất Duy Tiến, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân), quan điểm của tôi việc phân làn là tốt, tuy nhiên tính khả thi là thấp, rất thấp.
Và có lẽ 1 tháng qua thực tế đã chứng minh được điều đó. Tôi đã quan sát trên tuyến đường Nguyễn Trãi nhiều lần, các ngày khác nhau trong tuần, giao thông có đỡ đi được đôi chút, nhưng mà nếu không có lực lượng chức năng (CSGT, TTGT) làm nhiệm vụ thì đâu lại vào đấy, xe máy, ô tô lại chen chúc nhau đi vào các làn.
Điều này chứng minh hiệu quả của việc phân làn là không cao, tính khả thi thấp. Và rồi, thời gian trôi qua, lúc không còn cắt cử người trông coi nữa thì coi như lại “bắt cóc bỏ đĩa”, phí công vô ích, tất cả lại như cũ.
PV: Nếu phân tích như vậy thì việc làm này đang không mang lại hiệu quả tí nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Tất nhiên, việc này cũng sẽ có tác dụng một chút với những người đi xe máy người ta tuân thủ, luôn đi về bên phải theo quy định, nhưng số lượng này không nhiều.
Việc tác riêng làn đường trong khu đô thị, trong tuyến đường nội đô như thế này, tốc độ của ô tô, xe máy là giống nhau, tương đồng nhau, mà xe máy lại thuận lợi hơn, có thể luồn lách được, cho nên việc phân làn như vậy là không khả thi, kể cả có làm ở TP.HCM thì cũng vậy.
Do vậy tôi có thể nói là nhận định đó hoàn toàn đúng, giữa kỳ vọng và thực tế rất khác nhau.
Nguyên nhân, đường sá ở thủ đô là đường hẹp, tính liên thông ít, nhiều ngã tư, nhiều chỗ rẽ cho nên việc tách dòng là rất khó khăn.
Tiếp đến là số lượng xe máy cao hơn nhiều so với ô tô, khoảng 70-80% là người dân đi xe máy, do đó việc tách dòng lại càng khó. Bên cạnh đó, chúng ta mới đang tách dòng phương tiện trên 1 vài tuyến phố, không phải tất cả, do đó nhiều người đi xe máy ở nơi khác, ở ngoại thành vào người ta có biết đường nào đâu, cứ thế đi, do đó việc này là vô cùng khó khăn.
PV: Trước khi làm chúng ta đã khảo sát, xây dựng phương án và cũng rất kỳ vọng việc phân tách làn đường này sẽ man lại hiệu quả và từ đó chúng ta mới tổ chức thực hiện. Vậy theo ông nguyên nhân của việc làm ít hiệu quả nếu không muốn nói là đang thất bại này?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Trên lý thuyết, nếu phân làn được xe máy và ô tô thì tốt quá, nhưng đây là vấn đề không hề đơn giản với điều kiện ở Thủ đô Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam hiện nay.
Một thực tế là trên thế giới, việc tách riêng làn xe máy với ô tô cũng ít nước làm, nếu không muốn nói là không có nước nào làm. Từ Singapore, Băng Cốc (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản)...xe máy vẫn đi chung làn với ô tô trên đường.
Khi Hà Nội thực hiện tách riêng làn xe thì cũng có cái lý của người thực hiện, vì chúng ta nhiều xe máy quá, ở nước ngoài người ta ít xe máy hơn nên họ không tách làn. Nhưng về nguyên tắc là càng nhiều xe máy thì việc tách càng khó khăn, đó là lý do khách quan.
Thứ 2, chủ quan là do ý thức của người dân. Ở đây đã là ý thức thì cần phải có thời gian, có độ quen thuộc lâu dài để người dân người ta thực hiện. Như hiện nay, người dân đang đi theo thói quen, vì cứ thấy đường trống là đi vào, thứ nữa là do người dân thấy tốc độ của ô tô cũng có đi nhanh hơn xe máy đâu thì xe máy cứ đi trước, cứ vượt lên thôi.
Tôi cũng đã thử hỏi những lái xe taxi, xe ôm trên tuyến đường này rồi, họ đều nói việc tách này rất khó khăn mà cũng không hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến vấn đề ùn tắc hay không ùn tắc trên tuyến đường Nguyễn Trãi này. Vì sao, vì khi đến các ngã tư, lối mở thì ai cũng như nhau cả thôi, xe máy, ô tô cũng như nhau hết, vẫn phải đợi để được rẽ và lần lượt rẽ theo lối cần đi nên tách hay không tách là như nhau.
Hơn nữa, hạ tầng giao thông của thủ đô hiện nay chưa được tốt, đường thông nhau ít, yếu tố để hòa trộn ô tô với xe máy đang nhiều hơn yếu tố để tách ra đường riêng, cho nên việc tách rất là khó khăn. Do đó chúng ta lại đổ tại cho ý thức người dân kém, việc xử phạt người dân vi phạm cũng không khả thi và khó khăn.
Cho nên tôi nghĩ dùng từ “đâu lại vào đấy” là có cơ sở, vì sau khi lực lượng chức năng rút đi thì đâu lại vào đấy. Do đó chúng ta phải chấp nhận thực tế là đi hỗn hợp các xe với nhau.
Dù cơ quan chức năng rất muốn tách, nhưng thực tế hạ tầng giao thông không cho phép, ý thức chưa cao cộng với lượng xe máy, phương tiện cá nhân quá nhiều. Nhưng xét cho cùng, việc tách này trên thực tế mang lại hiệu quả không cao.
PV: Vậy theo ông chúng ta có nên “cố” thử đến cuối năm nữa hay không khi mà thực tế đang chứng minh tính không hiệu quả nhiều hơn là hiệu quả mang lại của việc phân tách riêng làn xe này?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Chúng ta có cố thực hiện tiếp tục từ nay đến Tết 2022 thì tôi nghĩ cũng không hiệu quả, cố làm mà hiệu quả không cao thì cũng nên cân nhắc.
Cơ quan chức năng nói là có hiệu quả một phần cũng đúng thôi. Có lực lượng chức năng đứng ở các điểm ngã tư, đầu giải phân cách cứng, cầm gậy chỉ chỉ thì người đi xe máy họ lại đi về bên phải một tí, xe buýt đi về bên trái đúng làn. Nhưng đến trưa, đến chiều khi không có lực lượng chức năng đứng điều tiết, phân làn nữa thì tình trạng xe máy, ô tô lại đi chung hết với nhau, lại đâu vào đấy.
PV: Không nên cố gượng ép khi đã biết được kết quả bước đầu như vậy. Vậy chúng ta cần chuẩn bị gì để khi triển khai thì việc làm mang lại hiệu quả?
TS. Nguyễn Xuân Thủy: Chúng ta cần nâng cấp hệ thống hạ tầng, tách các dòng xe ra và không để bị xung đột là tốt nhất chứ không thể tách riêng như hiện nay được.
Ví dụ như nên có hầm chui ở nút giao Ngã Tư Sở để cho các xe lưu thông nhanh hơn, chứ hiện nay nhiều xe trên các đường đổ về nhưng đến nút giao vẫn phải đi chung thì càng kẹt chứ không thể nào lưu thông riêng được.
Mình cũng không nên trách cơ quan chức năng hay kế hoạch làm việc, mà ở đây là yếu tố khách quan, yếu tố để thực hiện hóa không đủ, còn thiếu nhiều.
Do đó, chúng ta không nên cố làm gì, nên nghe ngóng, tham khảo các ý kiến của chuyên gia. Tách được là tốt nhưng yếu tố khả thi là không có thì phải nghiên cứu phương án khác.
Chúng ta không nên làm kiểu “Dã tràng xe cát bể Đông- Nhọc nhằn mà chẳng nên công trạng gì”, ở đây đang là như thế.
Thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất.
PV: Xin cảm ơn ông!