Phản ứng đề xuất đánh thuế TTĐB một số mặt hàng

(ĐTTCO) - Sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá, ô tô dưới 9 chỗ và bổ sung nước ngọt vào nhóm hàng chịu thuế TTĐB, là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của các luật thuế.

 Tuy nhiên, đề xuất cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 của Bộ Tài chính đang gặp nhiều phản đối từ các bộ, ngành, DN và hiệp hội ngành nghề liên quan.

Thuốc lá, bia, rượu, ô tô, nước ngọt phải chịu thuế
Trong tờ trình mới nhất của dự thảo luật gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng điều chỉnh, bổ sung đối tượng chịu thuế TTĐB để điều tiết tiêu dùng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, việc xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, ô tô, nước ngọt… nhằm thực hiện các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia.
 Mục tiêu đánh thuế để bảo vệ sức khỏe người dân và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc sử dụng nhiều đồ uống có đường dẫn đến tăng cân và béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu khác đến sức khỏe bao gồm tim mạch và tiểu đường.
Bộ Tài chính
Lý giải việc bổ sung nhóm mặt hàng nước ngọt (trừ sản phẩm sữa) vào đối tượng chịu thuế TTĐB 10% kể từ năm 2019, Bộ này cũng dẫn giải khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, hiện trên thế giới đã có trên 40 nước thu thuế TTĐB đối với loại đồ uống này. Nhiều nước trong khu vực cũng đã thu thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt, như Thái Lan quy định mức thuế suất 25% hoặc 0,024USD/chai 440cc; nước ngọt có ga, ở mức 20% hoặc 0,011USD/chai 440cc; Lào thu thuế TTĐB 5% đối với nước ngọt có ga không cồn, và 10% với nước tăng lực; Campuchia thu thuế TTĐB đối với nước ngọt 10%, Myanmar 5%. 
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh tăng thuế TTĐB với một số dòng sản phẩm ô tô dưới 9 chỗ ngồi. 2 phương án được đề xuất là giá tính thuế TTĐB đối với xe ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống được thực hiện theo quy định hiện hành. Phương án 1, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra, tương ứng với mức thuế từ 35-150% tùy theo dung tích xi lanh.
Phương án 2, giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra trừ đi giá trị linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. Thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô vừa chạy bằng xăng kết hợp với năng lượng điện, Bộ Tài chính cũng đề xuất mức 5-70%. Còn mức thuế suất thuế TTĐB loại xe vừa chở người vừa chở hàng, bộ này đề xuất bằng 60% mức thuế suất xe con cùng dung tích xi lanh.
 Đề nghị nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...
Bộ KH-ĐT
Riêng mặt hàng thuốc lá, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế TTĐB để chống tác hại thuốc lá, giảm tỷ lệ người hút thuốc và bảo đảm lợi ích sức khỏe cho người tiêu dùng. Bộ này đề xuất 2 phương án điều chỉnh tăng thuế TTĐB với thuốc lá: (1) Áp dụng thu thuế TTĐB theo phương pháp hỗn hợp, kết hợp thu theo thuế suất tỷ lệ và thuế suất tuyệt đối. Theo đó, bổ sung mức thu thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thuốc lá 20 điếu và 10.000 đồng/một điếu xì gà, áp dụng từ ngày 1-1-2020. (2) Tăng thuế suất thuế theo lộ trình, từ ngày 1-1-2020 tăng từ mức thuế suất 75% lên 80%; từ ngày 1-1-2021 tăng từ mức thuế suất 80% lên mức 85%.Phản ứng của các bộ, ngành
Về vấn đề tăng thuế TTĐB với các nhóm hàng nêu trên, Bộ Công Thương cho rằng đến nay chưa có tính toán cũng như đánh giá về con số giữa việc thất thu thuế đối với thuốc lá nhập lậu do việc tăng thuế TTĐB đối với số thuế thu được từ mặt hàng thuốc lá, để thấy được có hay không tính hiệu quả của việc tăng thuế TTĐB.
Phản ứng đề xuất đánh thuế TTĐB một số mặt hàng ảnh 1 Mục tiêu đánh thuế để bảo vệ sức khỏe người dân và phù hợp với thông lệ quốc tế. 
 Bộ này cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem lại lý do bổ sung nước ngọt vào danh sách hàng hóa chịu thuế TTĐB, vì mặt hàng này chứa đường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa, khi liệt kê nước ngọt tại dự thảo luật sửa đổi, Bộ Tài chính đã liệt kê sản phẩm không thống nhất, coi trà, cà phê (loại không đường) là nước ngọt và loại trừ nước trái cây, nước rau quả (loại chứa đường), sữa ra khỏi nước ngọt. Do vậy, Bộ Công thương đã đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hóa tính thuế TTĐB cũng như lý do cần thiết để hạn chế tiêu thụ.
Đồng quan điểm này, Bộ KH-ĐT cũng nêu vấn đề, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê vào đối tượng chịu thuế TTĐB mục đích nhằm hướng dẫn, định hướng tiêu dùng vì loại đồ uống có đường gây tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên, để có căn cứ thuyết phục đề nghị cần nghiên cứu và đưa ra đánh giá cụ thể về tác động tới sức khỏe của người tiêu dùng ở nước ta với sản lượng, mức tiêu thụ nước ngọt bình quân/người hiện nay. 
Theo Hiệp hội chè Việt Nam, việc áp dụng thuế TTĐB lên các sản phẩm trà uống liền được đóng gói trên các dây chuyền sản xuất công nghiệp, là đi ngược với các tiêu chí phát triển sản phẩm mới, phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của sản phẩm.
Cho đến thời điểm hiện tại chưa có nghiên cứu nào cho thấy uống trà đóng chai làm tăng nguy cơ béo phì mà chỉ có các bằng chứng khoa học chứng minh uống chè có lợi cho sức khỏe, giảm béo, chống lão hóa, tốt cho răng miệng, sảng khoái và thậm chí ngăn ngừa lỗi gien. Việc áp thuế TTĐB có thể có lợi cho ngân sách trong ngắn hạn nhưng về mục tiêu dài hạn lại làm giảm tính cạnh tranh cho sản phẩm chè và tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và tác động gián tiếp đến thu nhập cũng như cuộc sống của người làm chè. 
Từ góc nhìn của mình, Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, cho biết xuất khẩu cà phê đang đóng góp lớn trong nguồn ngân sách. Hàng năm xuất khẩu đạt 1,3-1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5-3 tỷ USD. Tuy nhiên tỷ lệ cà phê chế biến vẫn ở mức thấp so với các nước chỉ đạt trên 10%, do vậy, giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam rất thấp.
Hơn nữa, cà phê không phải là mặt hàng nước uống có hại cho sức khỏe mà theo tài liệu nghiên cứu của tổ chức cà phê thế giới (ICO) uống cà phê lại có lợi cho sức khỏe như cải thiện trí nhớ, chống lão hóa, ung thư da... Để nâng giá trị gia tăng sản phẩm cà phê xuất khẩu, hiệp hội đề nghị cân nhắc không đưa nước ngọt cà phê uống liền được đóng gói theo dây chuyền sản xuất công nghiệp thuộc diện danh mục mặt hàng chịu thuế TTĐB.

Các tin khác