Theo phóng viên TTXVN tại Paris, trong gần 2 giờ, Tổng thống Pháp đã trình bày chi tiết về kế hoạch đầu tư 30 tỷ euro cho 10 lĩnh vực ưu tiên, nhằm "xác định con đường dẫn đến sự độc lập về kinh tế của Pháp và Liên minh châu Âu (EU)", đồng thời "để ứng phó với những thách thức lớn của thời đại".
Trước sự hiện diện của Thủ tướng và các thành viên chính phủ, cùng khoảng 200 sinh viên, học giả, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, Tổng thống Macron đã bắt đầu phần diễn thuyết khi nêu bật những thách thức lớn mà nước Pháp phải đối mặt trong những năm tới.
Theo đó, thách thức về khí hậu đang làm "thay đổi phương tiện sản xuất và tiêu dùng", khiến nước Pháp phải "suy nghĩ lại về các phương pháp thực phẩm tổng hợp".
Thách thức về nhân khẩu học, với sự gia tăng số lượng cư dân trên hành tinh đang khiến "các xã hội, trong đó có Pháp, phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số" và cả "áp lực của những cuộc di cư lớn".
Tiếp đó, thách thức về bất bình đẳng đã được đẩy nhanh bởi "sự đứt đoạn của nền kinh tế thế giới" và, theo Tổng thống Macron, "khủng hoảng mà chúng ta vừa trải qua đã khiến những thách thức ngày càng to lớn hơn".
Để tạo đà cho phục hồi và phát triển thời gian tới, kế hoạch "France 2030" với tổng ngân sách 30 tỷ euro sẽ được đầu tư vào 10 lĩnh vực ưu tiên trong đó khoảng 8 tỷ sẽ được dành cho quá trình khử carbon và giảm phát thải khí nhà kính của nền kinh tế (phát triển điện hạt nhân, hydro xanh, điện khí hóa trong công nghiệp), 7 tỷ euro cho thiết bị y tế, thực phẩm chức năng và công nghiệp dược phẩm nhằm điều trị ung thư và các bệnh mãn tính, 6 tỷ euro cho linh kiện điện tử và robot, 4 tỷ euro cho giao thông vận tải (ô tô điện hoặc hybride, pin sạch, máy bay carbon thấp), 2 tỷ euro cho nông nghiệp...
Có thể thấy trọng tâm trong kế hoạch 2030 của Tổng thống Macron tập trung vào những lĩnh vực phát thải khí nhà kính.
Theo Tổng thống Pháp, việc chuyển đổi trong những lĩnh vực này là cần thiết để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Do vậy, trong tổng số tiền đầu tư, tỉ lệ ngân sách dành cho việc chuyển đổi sinh thái và nỗ lực "khử carbon" của nền kinh tế chiếm khoảng 40%. Con số này thậm chí sẽ lên tới gần 50%, nếu tính cả chi tiêu cho đào tạo.
Một điểm nhấn khác của kế hoạch mới này là đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Tổng thống Macron, sau các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên và kế hoạch phục hồi nền kinh tế trị giá 100 tỷ đã được triển khai từ năm 2020, kế hoạch "France 2030" được coi là "ngăn thứ ba của tên lửa đẩy", không chỉ để tránh sự sụt giảm về kinh tế, mà còn nhằm tạo công ăn việc làm cho thanh niên, phát huy năng lực của giới trẻ, góp phần tăng sức sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn trong quá trình phát triển nền kinh tế Pháp vào cuối thập kỷ này, giới trẻ và doanh nhân sẽ đóng một vai trò quan trọng, và cuộc gặp này cũng nhằm để "hiểu nhau hơn, sống tốt hơn, sản xuất tốt hơn".
Gói đầu tư 30 tỷ euro cho kế hoạch này là một khoản chi đáng kể đối với Pháp. Tuy nhiên, theo Tổng thống Macron, đây là khoản chi tiêu "cần thiết" và "đáng giá" để mang lại tương lai cho nước Pháp.
Ông khẳng định: "Sau khủng hoảng y tế kéo theo tụt hậu về kinh tế-xã hội, giờ là lúc nước Pháp chuẩn bị cho những thành công trong 20, thậm chí 30 năm tới".