Politico dẫn lời ông Clement Beaune, Bộ trưởng các vấn đề châu Âu của Pháp, cho biết: "Giữ lời là điều kiện của sự tin cậy giữa các nền dân chủ và giữa các đồng minh".
"Do đó, thật khó tưởng tượng được nếu (chúng ta) vẫn xúc tiến đàm phán thương mại với một quốc gia chúng ta không còn tin tưởng", ông Beaune khẳng định, CNN đưa tin hôm 20/9.
Chính phủ Pháp đã rất bất bình sau khi Australia từ bỏ thỏa thuận tàu ngầm trị giá 65 tỷ USD với Pháp vào tuần trước, để thúc đẩy thỏa thuận quân sự AUKUS với Mỹ và Anh.
Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Mỹ và Australia hôm 17/9 để phản đối.
Thủ tướng Australia Scott Morrison và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tại Điện Élyseé vào tháng 6. Ảnh: AFP.
Theo hiệp ước an ninh ba bên, Australia sẽ được các đồng minh chia sẻ về công nghệ tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Hạm đội này vượt trội so với các tàu chạy bằng năng lượng thông thường Canberra đã đồng ý mua từ Paris trước đó.
Trong khi đó, từ tháng 6/2018, EU và Australia đã trải qua 11 lần đàm phán về hiệp định thương mại tự do giữa hai bên, với các lĩnh vực như dỡ bỏ rào cản đối với xuất khẩu và quyền sở hữu trí tuệ.
Dù Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành thảo luận với đối tác thay mặt cho 27 quốc gia thành viên, các đàm phán sẽ không thể tiến hành nếu Pháp phản đối.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết hôm 20/9 rằng "rất nhiều câu hỏi" cần được giải đáp khi “một trong những quốc gia thành viên đã bị đối xử theo cách không thể chấp nhận được".
Ông Eric Mamer, phát ngôn viên EC, trước đó nói rằng vòng đàm phán EU-Australia tiếp theo dự kiến tổ chức vào tháng 10 và EC đang cân nhắc "tác động từ sự hình thành AUKUS đối với kế hoạch này".
EU là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Australia vào năm 2020, theo EC. Thương mại hàng hóa giữa hai bên lên đạt 42 tỷ USD (năm 2020) trong khi thương mại dịch vụ trị giá 30 tỷ USD (năm 2019).
Thỏa thuận thương mại tự do mới có thể khiến GDP của EU tăng thêm từ 2,1 đến 4,6 tỷ USD vào năm 2030.