DN sốt ruột
Thúc đẩy fintech nhằm đẩy mạnh tiếp cận tài chính và phát triển thị trường tài chính, là mục tiêu của các nước đang phát triển, nơi người dân khu vực nông thôn còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ ngân hàng (NH) truyền thống. Fintech là cơ hội để đạt được các mục tiêu của quốc gia, Chính phủ trong việc phổ cập tài chính đến người dân.
Với dân số hơn 96 triệu người, nhưng có đến 60% người dân đang sống ở khu vực nông thôn, tỷ lệ chi nhánh NH trên đầu người ở khu vực nông thôn hiện nay còn rất thấp (khoảng 3,87/100.000 người trưởng thành), nên các nhà đầu tư đánh giá Việt Nam có môi trường rất tiềm năng cho hoạt động đầu tư của các công ty fintech.
Số liệu của Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy, tốc độ phát triển của các công ty fintech đang tăng rất nhanh, từ khoảng 40 công ty năm 2016 đã tăng lên hơn 150 công ty vào cuối tháng 6-2019. Các công ty fintech cũng hoạt động đủ lĩnh vực như trung gian thanh toán, blockchain, cho vay ngang hàng và các giải pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, quản lý tài chính cá nhân…
Tuy nhiên, tại hội thảo “Phát triển hệ sinh thái công nghệ tài chính: Bài học kinh nghiệm và đề xuất nhằm hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam”, các DN fintech chia sẻ vẫn đang ngóng chờ khung pháp lý để có thể rộng đường phát triển trong thời gian tới.
Ông Vương Quang Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chào Đại Việt, người sáng lập trang công nghệ tài chính cá nhân Laisuat.vn, cho biết công ty hoạt động gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực fintech. DN đã nộp đơn đăng ký giấy phép ở nhiều nơi nhưng không cơ quan nào cấp giấy phép, nên công ty chỉ có thể hoạt động cầm chừng.
Theo ông Huỳnh, hiện nhiều DN fintech đang rất mong Chính phủ, NHNN sớm xây dựng cơ chế hoạt động cho lĩnh vực fintech và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực thanh toán điện tử.
Xây dựng hành lang pháp lý cho fintech hoạt động đang là vấn đề cấp thiết để cung cấp dịch vụ tài chính cho người dân. Điều này càng quan trọng hơn khi Chính phủ đã ban hành Đề án tài chính toàn diện, trong đó đặc biệt có ý nghĩa về vấn đề phổ cập tài chính và nâng cao khả năng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.
Hiện nay, trong 150 công ty fintech đang có mặt trên thị trường, NHNN mới cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cho 30 đơn vị làm trung gian thanh toán, chủ yếu là các đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử.
Thực tế, từ tháng 3-2017, Thống đốc NHNN đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo fintech, giao nhiệm vụ cho các vụ, cục chức năng tham mưu, xây dựng hoàn thiện hệ sinh thái fintech và đề xuất khung pháp lý cho fintech.
Ban chỉ đạo fintech đã thành lập 5 nhóm nghiên cứu 5 vấn đề chủ chốt trong lĩnh vực này, như công nghệ blockchain, xác thực từ xa eKYC, giao diện lập trình Open API, thanh toán và cho vay ngang hàng. Tuy nhiên, đến nay hoạt động của các công ty fintech chưa được quy định cụ thể bằng văn bản pháp lý nào.
Vẫn tiếp tục chờ
Vẫn tiếp tục chờ
Nhiều DN fintech mong muốn Chính phủ, NHNN sớm xây dựng cơ chế hoạt động cho lĩnh vực fintech, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực thanh toán điện tử. |
Dù vậy, đến nay vẫn chưa có quy định về đơn vị hỗ trợ xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động fintech. Các công ty fintech có nhu cầu không biết gặp đơn vị nào để đề xuất yêu cầu, khuyến nghị trong hoạt động. Ngoại trừ các hoạt động trung gian thanh toán được NHNN ban hành văn bản pháp lý để điều chỉnh, các hoạt động fintech khác chưa được quy định trong các văn bản pháp lý hiện hành.
Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó giao NHNN nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế quản lý thử nghiệm (sandbox) cho hoạt động fintech, nghiên cứu cơ chế thí điểm hoạt động cho vay ngang hàng. NHNN cho biết đã trình đề án vào tháng 5-2019, sau đó Thủ tướng chỉ đạo NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ Công an, Thông tin - Truyền thông và Tư pháp để hoàn thiện.
NHNN đã trình lại đề án lần thứ 2 và chờ Chính phủ xem xét. Đồng thời, Chính phủ cũng giao NHNN chủ trì phối hợp các bộ, ngành xây dựng cơ chế lĩnh vực cho vay ngang hàng, sớm trình Chính phủ. Trước tình hình đó, DN hoạt động trong lĩnh vực fintech vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chờ hành lang pháp lý.
Tình hình trên cho thấy, Việt Nam đi quá chậm khi công nghệ thanh toán trên thế giới đang thay đổi từng ngày và phát triển nhanh chóng. Trên thế giới thời gian thử nghiệm sandbox cho fintech thông thường 6 tháng, còn tại Việt Nam, Vụ Thanh toán cho biết quá trình này có thể 1-2 năm, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Đồng thời để được tham gia sandbox, các DN cần nộp đơn đăng ký.
Nguyên nhân đi chậm đã quá rõ, cơ quan quản lý vẫn còn lo ngại rủi ro. Từ kinh nghiệm các nước, nhiều chuyên gia đề xuất, trước khi có khuôn khổ pháp lý chính thức, cơ quan quản lý có thể sớm áp dụng cơ chế thử nghiệm.
Đơn cử, với hình thức cho vay ngang hàng, NHNN có thể chọn các DN triển vọng áp dụng những mô hình hoặc sản phẩm dịch vụ phục vụ người dân. Sau khi lựa chọn được sản phẩm dịch vụ tốt, các DN có tiềm năng phát triển, cơ quan quản lý sẽ đưa ra khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, những quy định vừa hỗ trợ fintech phát triển, vừa đáp ứng chuẩn mực tương đối của pháp luật.
Sau khi các DN đó đáp ứng chuẩn mực tương đối của pháp luật, các cơ quan chức năng triển khai rộng rãi trên thị trường những sản phẩm với khuôn khổ pháp lý chính thức, mang lại an toàn cho hệ thống tài chính.