Phát động phong trào 'bình dân học vụ số' ngành ngân hàng

(ĐTTCO) - Sáng 27-5, tại Hà Nội, NHNN tổ chức hội nghị phát động phong trào “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” và “Bình dân học vụ số” ngành ngân hàng gắn với thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, cho biết khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực, mà đã trở thành nền tảng cho phát triển của thế kỷ XXI. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến năm 2024, kinh tế số đã chiếm 15% GDP của kinh tế toàn cầu, tương ứng với 16.000 tỷ USD. Nhiều quốc gia đã xác định kinh tế số là thành phần cốt lõi trong chiến lược quốc gia.

z6642772001270_385ae9a54fcbcd9e95743114daf9475e.jpg

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những biến động khó lường như chiến tranh thương mại, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, dịch bệnh, thì phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn để thích ứng, tồn tại và vươn lên.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá nghiêm túc, toàn diện thời cơ và những khó khăn, thách thức của đất nước, Trung ương đã ban hành 4 nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

z6642771999405_d65680725768c398311180cf780d3673.jpg

Theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm, các nghị quyết trên được xem là “bộ tứ trụ cột” để giúp Việt Nam “cất cánh” trong kỷ nguyên mới, trong đó “phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá chiến lược, là động lực chủ yếu thúc đẩy hiện đại hóa đất nước, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”.

Do đó, theo Phó Thống đốc, việc NHNN triển khai sâu rộng 2 phong trào nói trên thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng thể của toàn ngành ngân hàng trong thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phổ cập những tri thức cơ bản về chuyển đổi số với tinh thần quyết liệt, trách nhiệm và hiệu quả nhất; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của ngành, của đất nước.

Hiện nay, ngân hàng được đánh giá là ngành tiên phong trong chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái số thông minh, kết nối liên thông và an toàn.

Số liệu thống kê nhanh từ một số ngân hàng thương mại cho thấy, các ngân hàng đã đi rất nhanh trong hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tính riêng từ năm 2024 đến nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng và triển khai trên thực tế số lượng lớn các sáng kiến cải tiến quy trình hoạt động, chuyển đổi số, một số ngân hàng có từ 100 sáng kiến số trở lên mỗi năm, tiêu biểu như: BIDV (299 sáng kiến); TPBank (135); Agribank (120); VIB (101); Vietinbank (100).

Đồng thời, số lượt cán bộ của các ngân hàng được bồi dưỡng về chuyển đổi số, công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong thời gian từ năm 2022 đến nay cũng tăng mạnh, tiêu biểu như Vietinbank (hơn 90.800 lượt); MB Bank (hơn 55.400); Techcombank (gần 51.000); Agribank (hơn 47.000 lượt học); BIDV (gần 39.000); VIB (gần 36.000).

Các tin khác