Phát hành tín phiếu có đỡ được tỷ giá?

(ĐTTCO) - NHNN tái khởi động phát hành tín phiếu trên thị trường mở sau 4 tháng tạm dừng, với kỳ hạn 28 ngày theo hình thức bán hẳn và cơ chế đấu thầu lãi suất. Sau 10 phiên liên tục (tính đến ngày 22-3), NHNN đã hút ròng gần 145.000 tỷ đồng qua kênh này.

Khối lượng trúng thầu các phiên đầu phổ biến gần 15.000 tỷ đồng/phiên, riêng phiên thứ 7 là 10.000 tỷ đồng. Mức lãi suất trúng thầu từ 1,35 - 1,7%/năm.

Kênh tín phiếu được mở lại trong bối cảnh tương đồng với tháng 9 năm ngoái. Đó là tín dụng khó khăn, thanh khoản hệ thống dồi dào, đã đẩy lãi suất VNĐ trên thị trường liên NH giảm sâu gây áp lực lên tỷ giá USD/VNĐ. Trong khi đó, lãi suất cho vay USD trên thị trường liên NH qua đêm ở mức 5,23%/năm, 1 tuần 5,24%/năm, 2 tuần 5,31%/năm và 1 tháng 5,33%/năm. Chênh lệch lãi suất VNĐ và USD ở mức cao là một điểm bất lợi lớn cho tỷ giá khi đồng USD đang có chiều hướng tăng giá trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, phát hành tín phiếu ngoài việc giúp hạ nhiệt tỷ giá, thị trường trong nước còn bổ sung thêm nhiều tình tiết áp lực khác. Chẳng hạn nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại trong 2 tháng đầu năm với mức 18,6%. Trong đó, riêng khối doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 19,6 tỷ USD và ghi nhận thâm hụt thương mại 3,9 tỷ USD (tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ).

Hay như lãi suất huy động VNĐ trên thị trường 1 liên tục giảm về mức thấp, cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đầu cơ đối với các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng. Vàng tăng mạnh, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức cao, dễ kích thích việc tăng mua ngoại tệ để nhập lậu vàng, và có thể hình dung được qua việc tỷ giá trên thị trường tự do leo thang lên gần 26.000 đồng/USD.

Trong khi đó hoạt động giải ngân vốn đầu tư FDI dù đạt 2,8 tỷ USD (tăng 9,8% so với cùng kỳ), vẫn chưa đủ sức kéo lại tỷ giá. Như vậy trong tháng 2, VNĐ mất giá thêm 0,91%, lũy kế 2 tháng mất giá khoảng 1,6% trên thị trường chính thức và khoảng 2,7% trên thị trường tự do.

Ngược chiều với NH trung ương các nước, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng từ năm ngoái cho đến nay nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nên việc sử dụng công cụ phát hành tín phiếu hút bớt thanh khoản hệ thống trong hoàn cảnh trên để tăng lãi suất VNĐ trên thị trường 2, là giải pháp phù hợp để giảm bớt áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.

Trước đó, công cụ này cũng nhiều lần phát huy tác dụng, nhưng lần này hiệu quả từ hành động của nhà điều hành lại chưa rõ ràng. Lãi suất VNĐ các kỳ hạn chủ chốt trên thị trường liên NH tuy có tăng trở lại trong 2 phiên đầu NHNN hút ròng, rồi sau đó lại tuột dốc, thậm chí còn về mức thấp hơn trước.

Tại ngày 21-3, lãi suất cho vay qua đêm chỉ còn 0,13%/năm, kỳ hạn 1 tuần rớt khỏi mốc 1%năm, chỉ còn 0,48%/năm. Các kỳ hạn 2 tuần, 1 tháng lần lượt giảm về 1,18%/năm và 1,58%/năm. Trong khi tỷ giá USD/VNĐ tại Vietcombank ngày 22-3 đã lên mức 24.950 đồng/USD và tỷ giá tự do ở mức 25.550 đồng/USD.

Nhiều năm trở lại đây, mức tín phiếu lưu hành tối đa khoảng hơn 200.000 tỷ đồng, nên đang có dự báo nhà điều hành sẽ tiếp tục phát hành tín phiếu như các lần trước đây. Song cũng có ý kiến điều này sẽ khó duy trì lâu, nếu kéo dài công cụ này chưa chắc sẽ giải quyết được vấn đề, ngược lại phải tiêu tốn chi phí lãi suất.

Các báo cáo vĩ mô đưa ra gần đây hầu hết đều tập trung vào độ nóng của tỷ giá thời gian qua, nhưng cũng đặt kỳ vọng tốc độ tăng trưởng GDP mạnh hơn ở Việt Nam, đà phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và ngoại thương, cùng với Fed sẽ giảm lãi suất mới là những yếu tố tích cực có thể giúp ổn định VNĐ. Tuy nhiên, những yếu tố đó sẽ không thể có ngay mà cần phải có thời gian.

Vấn đề hiện nay NHNN cân nhắc thanh tra hoạt động mua bán ngoại tệ của các NH để nắm rõ tình hình thị trường, hoặc có thể tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối, đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng phù hợp hơn, để hạn chế bớt đà mất giá của VNĐ trong tháng 3.

Các tin khác