Quang cảnh hội thảo. Ảnh: MAI HOA |
Hội thảo do ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính; ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính và ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM chủ trì. Cùng sự tham gia của hơn 100 đại biểu là đại diện bộ ngành, cơ quan thuế địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính, trường đại học, nhà khoa học, chuyên gia tài chính trong và ngoài nước…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Văn Trường, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, trong bối cảnh hóa đơn điện tử ngày càng được sử dụng phổ biến, mang lại nhiều lợi ích, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 11-2021 với 6 tỉnh, TP (gồm TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định và Phú Thọ), giai đoạn 2 từ tháng 4-2022 với 57 địa phương còn lại.
Tính đến tháng 5, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 3,91 tỷ hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, người nộp thuế gặp một số vướng mắc, khó khăn. Đó là tình trạng hóa đơn bị sai sót, các thủ tục điều chỉnh còn bất cập; quy trình, hướng dẫn triển khai hóa đơn điện tử của cơ quan thuế còn chưa hoàn chỉnh, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, vướng mắc khi áp dụng.
Đáng chú ý, hiện nay có hiện tượng phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử trái pháp luật nhằm gian lận thuế, chiếm đoạt ngân sách nhà nước.
Đại diện Cục Thuế tỉnh Đồng Nai tại hội thảo. Ảnh: MAI HOA |
Đại diện Cục Thuế tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: MAI HOA |
Ông Nguyễn Văn Được, Ủy viên Thường trực Hội tư vấn thuế Việt Nam phát biểu. Ảnh: MAI HOA |
Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, nhận diện và phân tích khó khăn, vướng mắc trong quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai hóa đơn điện tử, xu thế và kinh nghiệm các nước. Đồng thời đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ của người nộp thuế trong triển khai HĐĐT.
Nhiều thủ đoạn mua bán hóa đơn bất hợp pháp
Bà Hà Thái Hạnh, Phó trưởng Phòng Tuyên truyền - hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 6, tại TPHCM tiếp nhận hơn 1 tỷ hóa đơn điện tử. Bên cạnh sự minh bạch, nhanh chóng, kịp thời, một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách thành lập doanh nghiệp trực tuyến, đã thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích mua bán và sử dụng hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt tiền thuế của ngân sách nhà nước.
Bà Hà Thái Hạnh nêu những thủ đoạn của các doanh nghiệp mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Ảnh: MAI HOA |
Thủ đoạn của những đối tượng này là sử dụng căn cước công dân bị mất/đánh cắp, thuê người không có hiểu biết làm đại diện pháp luật để thành lập doanh nghiệp, chuỗi doanh nghiệp hoặc mua lại doanh nghiệp đang hoạt động để đăng ký doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này thường không có tài sản cố định, thuê một địa điểm làm văn phòng cho nhiều công ty, chỉ treo bảng hiệu nhưng không hoạt động, sử dụng giấy tờ, chữ ký giả để thực hiện tất cả mọi giao dịch, bán hóa đơn cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức cần hợp thức chi phí đầu vào đối với hàng hóa nhập lậu, trôi nổi hoặc hàng hóa cần phải có hồ sơ chứng minh nguồn gốc như đất đá, cát sỏi, nông lâm, thủy hải sản, xăng dầu, thực phẩm… để chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.