Phát sinh thu nhập chịu thuế: Phải nộp thuế

* Big C dùng thủ thuật né thuế chuyển nhượng

* Big C dùng thủ thuật né thuế chuyển nhượng

(ĐTTCO) - Vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay sau thương vụ M&A của Tập đoàn Casino Group của Pháp đã hoàn tất việc chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group của Thái Lan, là làm sao để thu được thuế từ việc chuyển nhượng này với giá trị ước tính 3.600 tỷ đồng. Trao đổi với ĐTTC, Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC, Chủ tịch LP Group, cho biết:

Bất kể là DN được thành lập theo pháp luật Việt Nam hay DN được thành lập theo pháp luật nước ngoài, nếu có thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam đều phải nộp thuế thu nhập DN. Theo Luật Thuế thu nhập DN năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2013) và Nghị định 218 hướng dẫn luật này, thu nhập chịu thuế trong trường hợp chuyển nhượng vốn được xác định là thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam từ việc chuyển nhượng vốn, bao gồm chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn đã đầu tư vào DN. Như vậy, về nguyên tắc nhà đầu tư nước ngoài khi chuyển nhượng vốn cho đơn vị khác phải có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập DN.

Phóng viên: - Vậy cụ thể đối với trường hợp Big C thì Tập đoàn Casino phải đóng thuế thu nhập DN ra sao? Có cách nào buộc DN này phải chịu trách nhiệm về thuế hay không, vì bản chất giao dịch là họ có phát sinh thu nhập?

Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC: - Theo thông tin qua báo chí tôi biết, Big C Việt Nam sở hữu bởi Tập đoàn Casino Group được thành lập tại  Hồng Công và việc ký thỏa thuận chuyển nhượng Big C cho Tập đoàn Central Group có thể diễn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trách nhiệm thuế của họ đối với thu nhập chịu thuế thu nhập DN phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam theo Luật Thuế thu nhập DN. Song cần lưu ý là Việt Nam và Hồng Công đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần (ký lần đầu ngày 16-12-2008 và Nghị định thư thứ hai vào ngày 13-1-2014), nên có thể họ sẽ kê khai và đóng thuế tại Hồng Công để tránh việc chịu thuế tại Việt Nam.

Casino Group lẽ ra phải đóng thuế 3.600 tỷ đồng cho thương vụ chuyển nhượng BigC.

Casino Group lẽ ra phải đóng thuế 3.600 tỷ đồng cho thương vụ chuyển nhượng BigC.

Tuy nhiên, nếu xác định DN có phát sinh thu nhập chịu thuế, cơ quan thuế có thể áp dụng Luật Thuế thu nhập DN hiện hành để tính thuế với nguyên tắc trình bày nêu trên. Còn đối với việc thực thi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Điều 6 của Thông tư 205/2013/TT-BTC ngày 24-12-2013 của Bộ Tài chính có hướng dẫn một số trường hợp từ chối áp dụng Hiệp định trên cơ sở nguyên tắc hưởng lợi Hiệp định, cơ quan thuế có quyền xem xét các yếu tố và hoàn cảnh liên quan đến việc từ chối nộp thuế theo Hiệp định trên cơ sở nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”, vì mục tiêu của Hiệp định là tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế. Thí dụ, trường hợp DN là một đối tượng cư trú của một nước hoặc vùng lãnh thổ không thu thuế thu nhập hoặc thu thuế thu nhập với mức thuế suất thấp (dưới 10%), thì cơ quan thuế có quyền từ chối áp dụng theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đã ký.

-Việc các cơ quan thuế Việt Nam đề nghị hoãn thay đổi người đại diện pháp luật để thanh tra thuế đối với Big C liệu có đúng quy định hay không?

- Theo quy định thời hạn nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 10 kể từ ngày các bên thỏa thuận chuyển nhượng vốn. Nếu cơ quan quản lý thuế xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, họ có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế đối với đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đồng thời có quyền “Tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 84 Luật Quản lý thuế.

- Theo ông liệu các cơ sở pháp luật của Việt Nam hiện nay đã đầy đủ để có thể thu được thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập… từ các DN FDI hay chưa? Cần có những phương án nào để đảm bảo quyền lợi của Nhà nước trong các trường hợp thế này?

- Việt Nam đã có những quy định khá cụ thể về thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của các DN khi phát sinh thu nhập chịu thuế tại Việt Nam. Cơ quan nhà nước cần biết đường đi của dòng tiền, dòng vốn và thanh tra từng khâu của những quy trình đầu tư kinh doanh để xác định đúng “vị trí” thuế thu nhập cần phải đánh vào. Thứ nhất, cơ quan cấp phép cần chuẩn hóa ngay giai đoạn thẩm định đầu tư và cấp phép đầu tư. Cần yêu cầu cam kết rõ để xác định thời điểm có lợi nhuận, loại trừ khả năng chuyển lỗ dài hạn đưa ra các điều kiện để được chuyển nhượng dự án đầu tư ngay tại thời điểm giải trình xin cấp phép ban đầu. Thứ hai, Chính phủ cần xây dựng cơ chế xác định tài sản cố định và các nguyên, vật liệu nước ngoài nhập vào Việt Nam để có thể kiểm soát. Việc định ra khung mức trần giá đầu vào được phép kê khai và khấu trừ là một điều kiện trong quá trình chấp thuận đầu tư. Thứ ba, cơ quan thuế cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hiệu quả tại thời điểm phát sinh giao dịch. Phải xác định đúng các khoản thu nhập chịu thuế và có cơ chế kiểm tra chéo để hạn chế sai sót của cán bộ thuế. Các cơ quan thuế có thể cần sự hỗ trợ của các luật sư DN tư vấn đồng bộ để thu hồi các khoản thuế của các DN. 

- Ngoài vấn đề thuế chuyển nhượng thì thời gian qua một vấn đề cũng đặc biệt được quan tâm là các DN FDI thường “né” các loại thuế khác. Theo ông họ dùng thủ thuật nào để “né” thuế?

- Việc các DN FDI “né” thuế có nhiều phương pháp. Phương cách chủ yếu qua 3 mô típ. Một là chuyển giá. Tức DN khai báo chi phí nâng giá nguyên vật liệu, các chi phí tiếp thị, mua li-xăng, thuê chuyên gia để tăng giá đầu vào và định giá sản phẩm thấp hơn để khai báo lỗ. Đồng thời kết hợp với một số phương pháp như xử lý chuyển lỗ kéo dài, hay xử lý linh hoạt trong hồ sơ tài sản khấu hao để DN luôn vận hành tốt nhưng báo cáo tài chính với cơ quan Nhà nước là lỗ. Hai là đầu tư bằng công ty “offshore”.

Tức các chủ đầu tư của các DN FDI có thể là các công ty được thành lập tại các “thiên đường thuế”, như các công cụ để đầu tư tài chính và kinh doanh tách biệt với công ty mẹ. Khi họ bán toàn bộ các “công cụ” đầu tư này hoặc sử dụng lợi nhuận từ việc đầu tư để tái đầu tư thì họ sẽ tránh được các khoản thuế. Quan trọng nhất là khâu xử lý hồ sơ chứng từ để đối phó với cơ quan chức năng. Ba là việc chọn thời điểm khai thuế. Các DN này thường là các DN chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc xuất nhập khẩu, sẽ thành lập các công ty con để phân phối sản phẩm, chuyển giá từ khâu sản xuất sang khâu thương mại để giảm nghĩa vụ thuế phải nộp cho ngân sách. Việc chọn giao dịch nào (bán cho công ty con hay bán cho người tiêu dùng) để khai báo thuế là chiêu thức để giảm số tiền thuế.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác