Ngoài lợi ích về sức khỏe, việc thường xuyên di chuyển bằng xe đạp còn góp phần bảo vệ môi trường. Chính vì thế, từ tháng 4/2022 - khi Hà Nội có chủ trương thí điểm phát triển 1.000 xe đạp công cộng, đặt tại 94 điểm ở các quận trung tâm, cho đến nay, nhiều người vẫn mong chờ và kỳ vọng từng bước làm thay đổi thói quen đi lại của người dân, thông qua đó tạo môi trường sống trong lành. “Tôi mong dự án thí điểm cho thuê xe đạp công cộng của Hà Nội sớm được triển khai. Tôi nghĩ, nếu thành công, dự án sẽ góp phần khơi dậy lối sống lành mạnh, đạp xe sẽ vừa tốt cho sức khỏe vừa hạn chế khí thải ra môi trường”, chị Hoàng Minh, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Bình, ở quận Hà Đông, Hà Nội - người có sở thích đạp xe đi làm cũng có chung suy nghĩ. “Tôi đi làm cả ngày, không có thời gian tập thể dục. Sau khi tìm hiểu về lợi ích của việc xe đạp, tôi thường tranh thủ thời gian từ nhà đến cơ quan thì tập thể dục luôn bằng cách đi xe đạp. Quãng đường từ nhà đến cơ quan là 13 km. Đi xe đạp hàng ngày, tôi thấy sảng khoái và làm việc hiệu quả hơn”, anh Bình cho biết.
Tuy nhiên, đến giờ - đã một năm trôi qua, người dân Hà Nội vẫn chưa thấy bóng dáng của những chiếc xe đạp công cộng trong dự án thí điểm. Điều này khiến dư luận thất vọng và hoài nghi về quyết tâm thực hiện chủ trương phát triển xe đạp công cộng của Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị - ông Đinh Đăng Hải, cán bộ của tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam, cho rằng xe đạp công cộng là giải pháp tốt để kết nối và làm tăng hiệu quả của các phương tiện giao thông công cộng. Việc trì hoãn có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến yếu tố hạ tầng chưa đảm bảo, cơ chế để vận hành chưa đầy đủ. “Tôi nghĩ có lẽ chính quyền thành phố đang nghiên cứu thêm để đảm bảo đạt được mục đích khi triển khai dự án”, ông Hải nhận định.
Theo ông Hải, cho thuê xe đạp công cộng không phải cách làm mới. Một số địa phương đã và đang triển khai, như thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế), phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án này chưa được như mong đợi. Nguyên nhân là do hạ tầng kém, người đi xe đạp chưa cảm thấy an toàn.
Từ thực tế này, ông Hải cho rằng, chính quyền thành phố Hà Nội nếu muốn đạt được mục đích tạo thói quen đi xe đạp cho người dân cần phải có chính sách phát triển hạ tầng giao thông theo hướng ưu tiên cho người đi xe đạp. “Hành vi của mọi người có thay đổi hay không còn dựa vào chính sách của thành phố. Trước khi thành phố đẩy mạnh phát triển hệ thống xe đạp chia sẻ, tôi nghĩ cần phải quan tâm hơn nữa đến việc tạo ra môi trường đi lại an toàn cho xe đạp. Từ đó, mọi người sẽ sử dụng không chỉ xe đạp chia sẻ mà cả xe đạp cá nhân của họ vào việc đi lại hàng ngày”, ông Hải khẳng định.
Ông Hải nêu dẫn chứng rất nhiều người Việt Nam khi sống ở trong nước đều dùng xe máy và ô tô làm phương tiện di chuyển. Tuy nhiên, khi ra nước ngoài, nhất là các nước phát triển, họ lại chọn xe đạp hoặc các phương tiện công cộng. Bởi lẽ, tại những nước này, việc di chuyển bằng phương tiện công cộng, xe đạp và đi bộ rất thuận tiện, an toàn và chi phí thấp. “Tôi cho rằng khi Chính phủ, các cơ quan của Nhà nước có chính sách tốt, tạo thuận lợi và đảm bảo an toàn cho người dân khi sử dụng các phương thức giao thông bền vững thì người dân sẽ lựa chọn”, ông Hải nêu quan điểm.
Theo VOV