Nghị quyết 98/2023/QH15 (ngày 24/6/2023) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá sẽ mở ra nhiều cơ hội, tạo cú hích để hạ tầng giao thông thành phố được đầu tư, phát triển, nhất là các dự án đầu tư trên các tuyến đường giao thông hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Qua rà soát rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã lên danh mục 5 dự án giao thông hiện hữu cần sớm được đầu tư mở rộng theo hình thức BOT, có tổng vốn đầu tư khoảng 37 nghìn tỷ đồng, với 3 tuyến quốc lộ huyết mạch.
Xây dựng tiêu chí
Nghị quyết số 98/2023/QH15 đã tạo cơ chế đặc biệt cho Thành phố Hồ Chí Minh với việc cho phép áp dụng hợp đồng BOT cho dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng và hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Các điều kiện để áp dụng loại hình này bao gồm: Công trình phải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao; dự án lựa chọn được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT phải nằm trong danh mục Hội đồng nhân dân thành phố ban hành…
Ủy ban nhân dân thành phố phải công khai, minh bạch đầy đủ các thông tin dự án để người dân giám sát. Trưởng Phòng Kế hoạch và Đầu tư (Sở Giao thông vận tải) Trần Chí Trung cho biết: Trên cơ sở quy định của Nghị quyết 98, Thành phố Hồ Chí Minh có 107 tuyến đường chính đô thị và đường trên cao thuộc diện có thể đề xuất mở rộng xây dựng theo hình thức BOT.
Ngoài ra, cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư dự án tham gia loại hình đầu tư này. Cụ thể, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án được mở rộng hơn, khống chế ở mức không quá 70% tổng mức đầu tư dự án, trong trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính không bảo đảm khả năng hoàn vốn.
Qua rà soát trong số rất nhiều dự án giao thông trọng điểm, Sở Giao thông vận tải lên danh mục 5 dự án giao thông hiện hữu cần sớm được đầu tư mở rộng giai đoạn 2023-2030, có tổng vốn đầu tư khoảng 37 nghìn tỷ đồng, với 3 tuyến quốc lộ huyết mạch: Quốc lộ 13 (kết nối thành phố Thủ Ðức với tỉnh Bình Dương) dài gần 4,7 km; Quốc lộ 1, đoạn từ An Lạc, huyện Bình Chánh, đến giáp ranh tỉnh Long An, dài 9,6 km và Quốc lộ 22 (phía tây Thành phố Hồ Chí Minh, từ nút giao An Sương đến nút giao Vành đai 3) dài 9 km.
Hai dự án còn lại cũng cần thiết đầu tư vì là tuyến giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng trục đường bắc-nam đường Nguyễn Hữu Thọ (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm) dài 7,5 km; xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phan Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km.
“Để có cơ sở kêu gọi đầu tư, Sở Giao thông vận tải đang xây dựng bộ tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT. Đây cũng là điều kiện cần thiết để có cơ sở xác định danh mục các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT và thúc đẩy tiến trình cải tạo hệ thống giao thông tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối giao thông liên vùng, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, hoạt động kinh doanh vận tải”, ông Trung chia sẻ.
Cần khung pháp lý đủ mạnh
Theo Sở Giao thông vận tải, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang quản lý 20 hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) để đầu tư phát triển ngành giao thông vận tải thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 49 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, có 7 dự án đầu tư theo hợp đồng BOT đã hoàn thành đưa vào sử dụng và khai thác. Các dự án này đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân, bảo đảm an toàn giao thông, giảm kẹt xe, tăng cường lưu thông hàng hóa qua việc rút ngắn thời gian lưu thông.
Nghiên cứu danh mục 5 dự án đầu tư được Sở Giao thông vận tải đề xuất, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) cho biết: CII dự kiến tham gia đầu tư 3 dự án BOT giao thông hiện hữu gồm: Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc, huyện Bình Chánh, đến tỉnh Long An) và đường Nguyễn Hữu Thọ. Theo tính toán, 3 công trình BOT này có tổng kinh phí khoảng 38 nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư tham gia bỏ kinh phí 50%, còn lại là nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 1 dài gần 10 km có tổng vốn gần 12 nghìn tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án.
Ông Bình thông tin thêm: CII sẽ đề xuất thành phố đầu tư thêm một dự án nâng cao năng lực giao thông thuộc tuyến đường Phạm Văn Đồng-Ung Văn Khiêm (kéo dài từ Công viên Gia Định đi theo đường Phạm Văn Đồng nối đến cầu Sài Gòn), là trục đường trọng yếu kết nối ngoại vi đô thị với nhiều hướng lưu thông phức tạp. Đại diện Ủy ban nhân dân Quận 8 nhận định: Dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ đường Phan Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) dài 3,2 km rất cần thiết đầu tư vì là trục giao thông nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố, là tuyến đường huyết mạch nối giữa Quận 6, Quận 8 và huyện Bình Chánh kết nối với tỉnh Long An.
Ban đầu, dự án này được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) nhưng thời điểm đó không thể kêu gọi nhà đầu tư, nay thực hiện theo cơ chế của Nghị quyết 98, hy vọng dự án sẽ sớm được triển khai đầu tư theo hình thức BOT, qua đó tạo cú hích phát triển kinh tế-xã hội cho Quận 6, Quận 8 và huyện Bình Chánh.
Với kinh nghiệm đầu tư nhiều dự án BOT cầu, đường trên địa bàn thành phố, ông Lê Quốc Bình cho rằng: CII lựa chọn đầu tư dự án dựa vào các tiêu chí có quy hoạch mở rộng đường đã được phê duyệt, khả thi trong việc giải phóng mặt bằng và ngân sách thành phố có thể đảm đương chi trả đền bù; tránh tình trạng “di dời” điểm kẹt xe từ vị trí này sang vị trí khác; dự án có khả năng kết nối liên vùng; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp BOT và người dân.
Cũng theo ông Bình, các hợp đồng BOT thực hiện theo luật cũ trước đây ràng buộc trách nhiệm giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương rất yếu, vì vậy rất khó xử lý khi phát sinh các tình huống. Do đó, nhà đầu tư mong muốn các hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách thí điểm của Nghị quyết 98 cần bảo đảm tính pháp lý đủ mạnh, chặt chẽ trên cơ sở luật định để họ mạnh dạn rót vốn, tham gia. Trong đó, địa phương có dự án đi qua phải cam kết trách nhiệm về công tác giải tỏa, đền bù, tiến độ bàn giao mặt bằng.
Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Nghị quyết 98 đã tạo cơ chế đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quy mô lớn. Trong đó, BOT đường hiện hữu cũng được quan tâm rót vốn đầu tư chứ không đơn thuần là mở tuyến mới, cũng không phụ thuộc vào một nhà đầu tư mà có thể là một vài nhà đầu tư cùng thực hiện… “Xét tổng thể về hạ tầng giao thông theo Nghị quyết 98 là phân quyền mạnh cho Thành phố Hồ Chí Minh, tạo những cú hích mạnh để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội”, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận nhận định.
CII dự kiến tham gia đầu tư 3 dự án BOT giao thông hiện hữu gồm: Quốc lộ 22, Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc, huyện Bình Chánh, đến tỉnh Long An) và đường Nguyễn Hữu Thọ. Theo tính toán, 3 công trình BOT này có tổng kinh phí khoảng 38 nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư tham gia bỏ kinh phí 50%, còn lại là nguồn ngân sách thành phố.
Ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII)