Đoàn gồm các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, theo dõi, chỉ đạo Đảng bộ TPHCM; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Trước khi đến thăm, làm việc tại KCNC, đoàn đã đến thăm, làm việc thăm Công ty TNHH Intel Products Việt Nam và tham quan sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.
Gắn với TP Thủ Đức
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu lại số liệu, KCNC hiện thu hút khoảng 7,5 tỷ USD vốn đầu tư. Trong đó, doanh nghiệp (DN) nước ngoài chiếm 31% nhưng chiếm đến 74% về vốn đầu tư. Ngoài ra, số lao động tại KCNC hiện là 42.000 người, chiếm chưa đến 1% lao động toàn TPHCM nhưng đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của toàn TPHCM. Từ đó cho thấy, nếu TPHCM thu hút đầu tư vào KCNC tốt hơn thì nơi đây sẽ đóng góp cho phát triển kinh tế của TPHCM càng lớn hơn nữa.
Nhận xét việc thực hiện đầu tư Công viên Khoa học và Công nghệ TPHCM còn chậm, đồng chí đề nghị Sở QH-KT TPHCM, UBND TP tập trung tháo gỡ, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng bày tỏ đồng tình trước các giải pháp đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm từ công nghệ cao trong hoạt động nghiên cứu để triển khai mô hình liên kết 3 nhà. Qua đó nhằm tăng cường gắn kết KCNC và Đại học Quốc gia TPHCM, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Khu đô thị Sáng tạo tương tác cao phía Đông.
Đối xử tốt với nhà đầu tư hiện tại
Trước đó, báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL KCNC thông tin, vốn đầu tư tại KCNC từng 2 lần đạt đỉnh, vào năm 2006 (thời điểm Intel đầu tư vào) và năm 2014 (thời điểm Samsung đầu tư vào). Dự kiến năm 2021, KCNC sẽ tiếp tục đạt đỉnh trong thu hút đầu tư, từ hoạt động mở rộng các dự án đầu tư mới. Tuy nhiên, để tạo điều kiện phát triển KCNC, ông Nguyễn Anh Thi kiến nghị thực hiện cơ chế đặc thù "một cửa liên thông" trong phối hợp với các đơn vị liên quan để rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cho DN; tháo gỡ vấn đề quy hoạch và đầu tư công Công viên Khoa học và Công nghệ. Cùng đó là sớm thông qua chủ trương đối với các chính sách hỗ trợ cho đầu tư giai đoạn II của dự án Intel Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, đánh giá cao về quyết định thành lập, phát triển KCNC đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Kết quả thể hiện rõ ở việc KCNC thu hút 160 dự án đầu tư, trong đó có 110 dự án trong nước (tổng vốn hơn 44.560 tỷ đồng) và 50 dự án nước ngoài (tổng vốn đầu tư gần 5,7 tỷ USD). KCNC đã góp phần cho sự phát triển của TPHCM. Ngoài ra, giá trị vô hình của KCNC mang lại là tạo sự lan tỏa, đem lại nguồn cảm hứng chung cho các địa phương khác cũng như thế hệ trẻ nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ. Điều này có ý nghĩa rất lớn kích thích đổi mới sáng tạo của TPHCM.
Đồng chí Bí thư Thành ủy lưu ý, các đơn vị liên quan quan tâm đến giải pháp kết nối 3 nhà (nhà nước, nhà đầu tư, nhà khoa học - PV), đặc biệt là quan tâm chăm sóc để DN hiện hữu gắn bó lâu dài với TPHCM. “Anh muốn xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư mới thì trước hết phải đối xử thật tốt đối với các DN đã đầu tư, đang “sống” với anh”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh và khẳng định, khi có chính sách, hỗ trợ tốt đối với các DN hiện hữu thì đây sẽ là những dẫn chứng có giá trị hơn 1.000 lời nói.
Cùng với đó là nhiệm vụ giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao để họ gắn bó lâu dài và cống hiến. Đồng thời cần tiếp tục phát huy vị trí thuận lợi của KCNC để làm sao xứng đáng với sự chọn lựa và tạo ra được sự hấp dẫn của TPHCM - là tài sản quý. Trước các kiến nghị của BQL KCNC, đồng chí Nguyễn Văn Nên yêu cầu, các cơ quan liên quan, gắn với từng trách nhiệm cá nhân cụ thể trên từng cương vị được giao làm tốt nhiệm vụ của mình. Thông qua đó sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để góp phần cho sự phát triển.
Hoàn trả 6 tỷ đồng tiền dự chi hỗ trợ do dịch Covid-19 Trong 10 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ ở KCNC ước đạt hơn 16,2 tỷ USD, tăng 19,82% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt hơn 15,4 tỷ USD (tăng gần 24%) và giá trị nhập khẩu đạt hơn 14 tỷ USD (tăng gần 27%). Lũy kế đến nay, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của KCNC ước đạt gần 81 tỷ USD (xuất khẩu gần 77 tỷ USD và nhập khẩu hơn 70 tỷ USD). Hiện BQL KCNC đang tập trung triển khai các dự án còn lại và phấn đấu đến cuối năm 2020 hoàn thành cơ bản hạ tầng của toàn bộ diện tích 913ha của KCNC theo quy hoạch. Thời gian qua, các DN trong KCNC tiếp tục vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, chủ động tổ chức và sắp xếp lại lao động, đảm bảo cho người lao động không bị ảnh hưởng quá nhiều từ dịch Covid-19. Các DN trong KCNC giải quyết việc làm cho 42.246 lao động, giảm 3.426 lao động so với thời điểm 3 tháng đầu năm 2020. Theo kế hoạch, UBND TPHCM bổ sung dự toán kinh phí cho Ban Quản lý (BQL) KCNC gần 6 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động bị ngừng việc, mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, các DN trong KCNC đã chủ động tổ chức, sắp xếp, đảm bảo cho người lao động không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch bệnh. Các DN đã báo cáo không còn trường hợp nào bị ảnh hưởng và cần được hỗ trợ theo quy định. Do vậy, BQL KCNC sẽ hoàn trả số tiền chi hỗ trợ của TP. |