Phát triển mạnh dịch vụ, tăng khai thác thị trường “ngách”

(ĐTTCO) - Xuất hiện hình ảnh trên thẻ lên máy bay; tài trợ học bổng trị giá 1,5 tỷ đồng cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; tiếp sức, đồng hành với doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng những gói vay ưu đãi nghìn tỷ đồng; liên kết với các trang bán hàng trực tuyến để đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt; lãi suất ưu đãi cho khách hàng mua ô tô… 
Phát triển mạnh dịch vụ, tăng khai thác thị trường “ngách”
Đó là những nỗ lực của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank) trong 5 năm hoạt động (1-10-2013 – 1-10-2018) nhằm đưa hình ảnh ngân hàng trở nên gần gũi hơn với khách hàng.
Phát triển mạnh dịch vụ để đưa hình ảnh đến gần khách hàng
Đón đầu xu thế mua sắm, thanh toán trực tuyến, gần đây PvcomBank liên tục đưa ra các tiện ích mới. Theo đại diện ngân hàng, phát triển hệ thống đối tác, kết nối dịch vụ là hướng đi mà PVcomBank luôn chú trọng trong chiến lược kinh doanh nói chung và lĩnh vực thanh toán trực tuyến nói riêng, nhằm mang tới cho khách hàng nhiều tiện ích và giá trị gia tăng. 
Với tiêu chí cung cấp những sản phẩm dịch vụ tốt nhất, PVcomBank đề cao việc phát triển mạng lưới có chất lượng, lựa chọn các đối tác lớn có uy tín trên phạm vi toàn quốc, như VNPAY (nhà cung cấp cổng thanh toán điện tử hàng đầu Việt Nam hiện nay); Vietnam Airline, AirAsia, (dịch vụ vận chuyển); Traveloka, Agoda (du lịch); MobiFone, Vinaphone, FPT (dịch vụ viễn thông); Prudential, Bảo hiểm Việt Nam (bảo hiểm); Adayroi, Tiki, Lazada, Vinabook (dịch vụ mua sắm). 
Đầu tháng 8, PVcomBank đã mở rộng mạng lưới PV-eCommerce, tăng gấp đôi lượng website mua sắm uy tín, đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng. Khách hàng có thể mua sắm mọi lúc, mọi nơi, không giới hạn thời gian giao dịch, không giới hạn khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian, an toàn, bảo mật, được hưởng mức giá ưu đãi hơn nhiều so với mua sắm tại cửa hàng, và đặc biệt là không mất thêm bất kỳ khoản phí nào.  
Cùng với việc phát triển các dịch vụ, tiện ích mới, PVcomBank còn tiếp tục khai thác khách hàng ở thị trường “ngách”: doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh tiểu thương, chủ cửa hàng và start-up. Đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và tiểu thương PVcomBank xét duyệt cho vay dễ dàng và chấp nhận tài sản đảm bảo là hàng hóa luân chuyển, ô tô đang sử dụng... Thời gian phê duyệt và giải ngân cũng được cải thiện tối đa, các khoản vay được cam kết xử lý trong vòng 24 giờ với gói “Sẵn vốn ngay”. Đây là gói vay được nhiều khách hàng lựa chọn bởi hạn mức lên tới 10 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 7,99%/năm. 
Đặc biệt, với nhu cầu vốn không quá 1 tỷ đồng, chủ cửa hàng hay tiểu thương có thể vay từ PVcomBank nhanh chóng mà không cần có giấy phép đăng ký kinh doanh, mã số thuế. Không những vậy, thay vì phải trả cả gốc lẫn lãi khá “nặng gánh” như các sản phẩm vay thông thương, gói “Sẵn vốn ngay” cho phép chủ hộ kinh doanh chỉ phải trả lãi hàng tháng và chủ động trả gốc cuối kỳ, từ đó có lợi hơn rất nhiều về nguồn tiền ngắn hạn.
Việc tung ra liên tục các chương trình ưu đãi, sản phẩm mới đã giúp hình ảnh của PVcomBank được phủ sóng một cách rộng rãi, được nhiều tổ chức xếp hạng quốc tế và trong nước thừa nhận. Hồi đầu năm nay, ngân hàng đã được Tạp chí quốc tế International Finance Magazine (Anh) trao 2 giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ đổi mới hiệu quả nhất Việt Nam 2017” và “Ngân hàng tài trợ thương mại hiệu quả nhất Việt Nam 2017”. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, PVcomBank nhận được giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ đổi mới hiệu quả” của IFM. 
Còn trong năm 2017, ngân hàng này còn nhận thêm nhiều giải thưởng uy tín khác như: Ngân hàng có sản phẩm Mobile Banking sáng tạo hiệu quả và Ngân hàng có giải pháp Core Banking đột phá, hiệu quả (Tạp chí Asian Banking Finance), Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017, Top 4 các nhà tuyển dụng được yêu thích ngành tài chính ngân hàng, Top 3 ngân hàng có chỉ số Vietnam ICT cao nhất…
Tái cơ cấu đang đạt được kết quả tích cực
 Sau 5 năm đi vào hoạt động, PVcomBank đã tập trung kiện toàn bộ máy tổ chức, quản lý tập trung theo ngành dọc đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ để nâng cao năng lực và vai trò của hệ thống này trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro.
Ông NGUYỄN ĐÌNH LÂM,
Chủ tịch HĐQT PVcomBank
Một nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình 5 năm hoạt động là thực hiện đề án tái cơ cấu ngân hàng đã được phê duyệt. Theo đó, PVcomBank đã tập trung tái cơ cấu danh mục tài sản bằng việc tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và thu hồi nợ. Tổng số khoản nợ đã thực hiện cơ cấu là 30 khoản với giá trị gần 6.000 tỷ đồng, giá trị thu hồi luỹ kế đến nay là gần 2.800 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu VAMC tại 30-9-2015 là 3.531 tỷ đồng. 
Đến thời điểm báo cáo, tổng giá trị nợ thu hồi lũy kế là 327,04 tỷ đồng. Về tái cấu trúc danh mục đầu tư, tính đến 31-12-2017, tổng dư nợ đầu tư trực tiếp là 5.121,3 tỷ đồng, giảm 561 tỷ đồng so với thời điểm lập đề án. PVcomBank thực hiện trích lập dự phòng đầu tư tại thời điểm 31-12-2017 là 411,42 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đã hoàn thành cơ cấu 5 khoản đầu tư trên 11% vốn điều lệ, đưa tỷ lệ đầu tư về đúng mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Đình Lâm, Chủ tịch HĐQT PVcomBank, ngân hàng luôn nhận thức đầy đủ và tuân thủ các yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước đối với hệ thống kiểm soát nội bộ, thường xuyên tự rà soát, đánh giá, từ đó có những thay đổi để phù hợp với yêu cầu của hoạt động kinh doanh, quản trị cũng như yêu cầu hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ. 
PVcomBank đã tiến hành cơ cấu lại một số bộ phận như: thành lập các phòng cảnh báo và quản lý nợ tại khối khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhằm mục đích đẩy mạnh và phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động cảnh báo và quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng; thay đổi mô hình hoạt động của Khối quản trị rủi ro, khối pháp chế và tuân thủ, khối khách hàng doanh nghiệp lớn, khối quản lý và tái cấu trúc tài sản nhằm mục đích hướng tới mô hình hoạt động hiệu quả và kiểm soát rủi ro tốt hơn… 
Song hành với việc cơ cấu lại mô hình tổ chức, PVcomBank đã ban hành các quy định, quy trình, quy chế, cẩm nang để đáp ứng sự thay đổi này, trong đó quy định rõ vai trò chức năng cũng như trình tự thực hiện, tác nghiệp. 
Cũng theo ông Lâm, trong quản trị rủi ro, PVcomBank thiết kế hệ thống phù hợp với quy mô, cơ cấu và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh ngân hàng, đảm bảo quản lý đầy đủ các rủi ro trọng yếu trong hoạt động kinh doanh bao gồm rủi ro: tín dụng, thanh khoản, thị trường, hoạt động.
Về hệ thống công nghệ thông tin, PVcomBank đã hoàn thành triển khai hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) theo đúng chiến lược giai đoạn 2014 - 2017, hoàn thiện quá trình hợp nhất và đưa vào sử dụng các hệ thống dịch vụ lõi của ngân hàng như: CoreBanking T24; Core Thẻ SmartVista; Internet Banking; MobiBanking, SMS Banking và các kênh giao dịch điện tử khác để cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ và tiện ích nâng cao cho khách hàng… 
Theo lãnh đạo PVcomBank, việc đầu tư vào CNTT cũng là một trong những trọng tâm cải cách của PVcomBank, bởi CNTT chính là trái tim của mọi hoạt động ngân hàng. Chẳng hạn như việc vận hành thành công Core Banking T24. đã giúp đảm bảo cho khả năng phát triển ổn định và mở rộng linh hoạt của PVcomBank trong tương lai. Core T24 linh hoạt có thể đáp ứng được những điểm mà bất cứ ngân hàng nào cũng mong hướng đến như phục vụ khách hàng nhanh chóng, thông suốt, tích hợp kênh giao dịch điện tử, tránh xảy ra những trục trặc trong giao dịch, đáp ứng chuẩn mức Basell II, thậm chí Basell III.

Các tin khác