Khoản vay này sẽ được giải ngân kèm với các khoản tài trợ có tổng trị giá 127,5 triệu USD từ 2 tổ chức chuyên hỗ trợ triển khai các dự án thân thiện với môi trường là Quỹ Khí hậu xanh và Quỹ Công nghệ sạch, nhằm giúp Indonesia vượt qua vấn đề tài chính cho khoan thăm dò, một trong những rào cản chính đối với việc phát triển địa nhiệt ở nước này.
Nhà máy điện địa nhiệt Wayang Windu trên đảo Java
Năng lượng địa nhiệt đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thảikhí nhà kính ở Indonesia. Là nguồn năng lượng sạch và tái tạo với nguồn cung liên tục, năng lượng địa nhiệt có thể giúp giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào nguồn điện từ các nhà máy hoạt động bằng than và các nhiên liệu hóa thạch khác. Nếu nguồn tài nguyên trên có thể tiếp cận dễ dàng, chi phí sản xuất sẽ có khả năng cạnh tranh với than đá và khí đốt tự nhiên.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani cho biết, nước này hiện đứng thứ 2 thế giới về công suất sản xuất điện từ địa nhiệt. Phát triển lĩnh vực này là một phần không thể thiếu trong chính sách an ninh năng lượng của Indonesia, giúp đất nước giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia cho biết, để đạt được mục tiêu nâng thị phần năng lượng tái tạo lên 23% vào năm 2025, địa nhiệt cần đóng góp khoảng 7% hoặc tương đương 7.000 MW. Đó là một kế hoạch đầy tham vọng với tổng nguồn vốn đầu tư lên tới 35 tỷ USD.
Các dự án địa nhiệt là những khoản đầu tư nhiều rủi ro, đặc biệt ở giai đoạn thăm dò và hiện chưa có tổ chức tài chính nào sẵn sàng tài trợ kinh phí cho giai đoạn ban đầu này, do vậy khoản vay nói trên của WB đóng góp lớn vào sự thành công của ngành địa nhiệt Indonesia.