Ngày 17-8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh” nhằm thúc đẩy giải pháp để giải quyết khủng hoảng khí hậu.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow (Anh) vào tháng 11-2021, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Nhằm cụ thể hóa chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, ngày 22-7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 với 4 mục tiêu quan trọng: (1) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, (2) xanh hóa các ngành kinh tế, (3) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững và (4) xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Để thực hiện điều này, thách thức đầu tiên mà Việt Nam phải giải quyết đó chính là tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho chương trình này.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, để hiện thực hóa được các mục tiêu về chuyển đổi năng lượng và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 như đã cam kết, vấn đề lớn nhất ở đây chính là nguồn lực thực hiện.
Về tổng thể, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam vừa mới công bố (CCDR) cho thấy, tổng nhu cầu tài chính tăng thêm của Việt Nam để xây dựng khả năng chống chịu và khử carbon, hướng tới phát thải ròng bằng “0” có thể lên tới 368 tỷ USD trong giai đoạn 2022-2040, xấp xỉ 6,8% GDP mỗi năm.
Chỉ tính riêng lộ trình xây dựng khả năng chống chịu sẽ chiếm khoảng 2/3 số tiền này vì cần huy động lượng vốn đáng kể để bảo vệ tài sản và cơ sở hạ tầng cũng như những người dân dễ bị tổn thương.
Chi phí của lộ trình khử các bon chủ yếu phát sinh từ ngành năng lượng gồm chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo và quản lý quá trình chuyển dịch ra khỏi năng lượng than, có thể tiêu tốn khoảng 64 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, chuyển dịch năng lượng không chỉ là vấn đề của nội bộ ngành năng lượng, mà chính là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế từ mô hình thâm dụng nhiều năng lượng sang mô hình sử dụng năng lượng một cách hiệu quả.
Các tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu điện và năng lượng sẽ tiếp tục tăng trưởng cao cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nền kinh tế của Việt Nam trong những năm sắp tới. Đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhu cầu cao như vậy là thách thức lớn.
Vì vậy, xây dựng chiến lược phát triển và chuyển dịch năng lượng phù hợp, khả thi, bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước là nhiệm vụ có tính quan trọng bậc nhất của Việt Nam.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận xét, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có sự cam kết hỗ trợ về mặt tài chính và kỹ thuật thực sự từ các quốc gia phát triển, chứ chỉ riêng Việt Nam thì khó có thể thực hiện.