Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp đang là vấn đề thách thức của Việt Nam để sẵn sàng cho một giai đoạn mới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chính là động lực quan trọng để các doanh nghiệp Việt nâng cao khả năng cạnh tranh và bứt phá trong bối cảnh mới.
Theo khảo sát của Công ty Navigos Search (công ty chuyên về các dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao hàng đầu trên cả nước) nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã hồi phục nhanh sau đại dịch. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng, tập trung vào nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật nhất, nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ.
Cũng theo thống kê từ TopDev- trang tuyển dụng về công nghệ phần mềm, cho thấy nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin gia tăng nhưng thị trường lao động lĩnh vực này tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu hụt về cả số lượng và chất lượng. Năm nay, theo dự báo, số lượng nhân lực công nghệ thông tin sẽ cần 500.000 người và ước tính sẽ thiếu hụt 190.000 người.
Ông Hoàng Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty TNHH 4P nêu thực tế: “Doanh nghiệp Việt Nam gặp khó ở nguồn lực có trình độ trong quản lý cũng như là vận hành các cái thiết bị công nghệ có mức độ tự động hóa cao. Còn đối với các doanh nghiệp FDI thì họ có thuận lợi là khi mà họ tuyển dụng họ có thể gửi nhóm nhân viên mà họ tuyển dụng về công ty mẹ để đào tạo và sang vận hành”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, dịch Covid-19 đã cho thấy rõ nét vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại nước ta.
“Nếu như chúng ta tuyển lao động thời vụ hay là lao động chân tay, lao động kỹ thuật thấp thì tương đối dễ dàng. Nhưng nếu động đến những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động kỹ thuật cao, thì khi đã giãn, giảm lao động thì việc tuyển dụng trở lại là vấn đề. Dịch Covid-19 cho thấy một lỗ hổng rất lớn của khu vực doanh nghiệp Việt Nam, đó là thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật cao” - ông Trần Toàn Thắng chỉ rõ.
Mặc dù chúng ta đang có nhiều lợi thế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như cơ cấu dân số trẻ, có nhiều sự sáng tạo, thích nghi và học hỏi nhanh chóng… Song hiện tại, những ưu thế này chưa được phát huy đúng mức khiến thị trường lao động luôn trong tình trạng thiếu hụt nguồn lao động có trình độ công nghệ cao.
Theo ông Đoàn Đức Thuận, Phó Tổng giám đốc Kowil Fashion, hiện các doanh nghiệp Việt thực sự chưa có nhiều chế độ ưu đãi để thu hút nhân tài. Do đó, ông Thuận cho rằng cần có chế độ lương thưởng hợp lý nhằm thu hút được nhân tài chất lượng cao cống hiến và gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp.
“Để cổ vũ và khuyến khích sự sáng tạo của người lao động, doanh nghiệp cần có chế độ lương thưởng hợp lý, không mang tính chất “cào bằng” mà phải có những chế độ riêng đối với những sáng tạo, giải pháp hay được đưa ra. Hiện nay mặt bằng lương của Việt Nam được nâng dần lên nhưng vẫn chưa cạnh tranh bằng được các nước. Hiện các doanh nghiệp lớn thường thưởng cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo, còn bộ phận doanh nghiệp nhỏ hầu như không có” - ông Đoàn Đức Thuận nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng chương trình đào tạo của nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới để có thể phát triển năng lực của đội ngũ nhân lực. Bên cạnh đó, có thể áp dụng các chính sách như cử đi đào tạo ở nước ngoài, luân chuyển qua nhiều phòng ban để tạo kinh nghiệm. Đồng thời, điều quan trọng là tạo môi trường văn hóa doanh nghiệp cổ vũ sự tìm tòi, sáng tạo và tinh thần học hỏi, vươn lên của người lao động.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài cho rằng, muốn đón được làn sóng chuyển dịch đầu tư điều quan trọng là chúng ta phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm quản lý cấp cao và lao động có tay nghề. Do đó yêu cầu đặt ra là cần nhấn mạnh đến việc đào tạo đáp ứng được yêu cầu này trong giai đoạn hiện nay.
“Đào tạo nguồn nhân lực, bây giờ chúng ta đã định hướng là đào tạo để phục vụ xã hội, chứ không phải đào tạo cái chúng ta có. Nhưng mà chúng ta đào tạo cho nhu cầu trước mắt mà phải là đào tạo trong cả trung hạn và dài hạn. Tôi cho rằng để làm được điều này phải có chương trình cụ thể, phải nâng cao được cái tâm thế và tư thế và quyết tâm; phải nâng trình độ, tức là phải xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực cốt lõi” - ông Nguyễn Văn Toàn nêu ý kiến.
Trong bối cảnh mới khi Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư lí tưởng của nhiều doanh nghiệp nước ngoài, việc sẵn sàng một nguồn nhân lực có trình độ cao là một trong những yếu tố tiên quyết để thu hút dòng vốn đầu tư. Chính vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực chính là động lực để Việt Nam bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, để làm được điều này cần sự đầu tư của nhà nước, các ban, ngành, cũng như từng lĩnh vực cụ thể.