Đây là một cánh cửa để các TCTD có thể khai thác tiềm năng của thị trường trong năm 2019.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Trong hàng loạt báo cáo đánh giá của các tổ chức trong nước và quốc tế, cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam đều được đánh giá là một mảnh đất màu mỡ. Thực tế, tiềm năng đó ngày càng thể hiện rõ qua sự cạnh tranh của các thành viên trên thị trường.
Quy mô tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam còn khá thấp so với các nước trong khu vực, chỉ khoảng 19% GDP năm 2017, trong khi tại Thái Lan quy mô này lên đến 80% GDP. Phát triển cho vay tiêu dùng hợp lý cũng sẽ tạo động lực cho tổng cầu của nền kinh tế và tác động tích cực tới tăng trưởng GDP trong các năm tới. TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Hay MB cho vay siêu nhanh, thấu chi không tài sản bảo đảm với hạn mức vay lên tới 50 triệu đồng, thực hiện trên ứng dụng của NH, không giấy tờ, không cần đến NH. VPBank cho vay vốn không tài sản đảm bảo với hạn mức lên tới 500 triệu đồng, kỳ hạn vay từ 12 - 60 tháng, lãi suất thấp hơn từ 5-9% so với lãi suất thông thường để hỗ trợ khách hàng có mong muốn thay đổi ngoại hình và nhan sắc.
Kể cả NHTM có vốn nhà nước cũng đẩy mạnh cạnh tranh cho vay tiêu dùng, như BIDV mới triển khai tính năng trả góp qua thẻ tín dụng từ tháng 8-2018, nhưng đến đầu tháng 1 đã áp dụng tại hơn 6.200 địa điểm thuộc hệ thống của Thế giới Di động, FPT Shop, Mediamart, PICO, bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Vacxin Việt Nam, trung tâm tiếng Anh APAX…
Mặc dù không có nhiều lợi thế bằng các NHTM, nhưng các công ty tài chính cũng tung chiêu mới để hút khách. FE Credit dành đến 24.450 suất hoàn tiền trị giá đến 800.000 đồng/suất, và hàng ngàn quà tặng cho các khách hàng đăng ký vay tiền mặt, vay mua xe máy và chi tiêu qua thẻ tín dụng. Hay ngoài khuyến mại áp dụng lãi suất 0% cho một số sản phẩm chọn lọc, Home Credit đang mời chào các khách hàng VIP vay vốn với mức vay lên đến 100 triệu đồng.
Easy Credit hoàn tiền 20% cho khách vay với điều kiện trả nợ đúng hạn, không bị quá hạn gốc/lãi và không thay đổi thời hạn thanh toán và duy trì khoản vay trong suốt thời hạn vay. VietCredit ưu đãi lãi suất 0% trong 30 ngày cho khách hàng sử dụng thẻ vay, cho phép mở thẻ vay trực tuyến, miễn phí mở thẻ, phí thường niên, phí tất toán trước hạn và tặng 200.000 đồng khi giới thiệu thành viên mới.
Ảnh minh họa.
Khuyến khích cho vay chính đáng
Sau khi thực hiện một khảo sát thị trường vào quý II-2018, Financial Times (nhật báo phát hành tại London và 23 thành phố trên thế giới) nhận định: Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có thể mới chỉ ở bước khởi đầu và sẽ được thúc đẩy nhờ đô thị hóa, thu nhập tăng cao và sự dịch chuyển của ngành tài chính sang khu vực hộ gia đình. Trong khi đó, theo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, ước tính từ mức 646.000 tỷ đồng trong năm 2016, sẽ tiến tới mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm.
Thực tế năm 2018, tín dụng tiêu dùng có xu hướng chững lại khi trước đó tăng trưởng tín dụng tiêu dùng của các CTTC thường đạt 2 con số, nhưng 6 tháng đầu năm 2018 chỉ tăng khoảng 4-5%, thấp hơn cả các NHTM. 6 tháng cuối năm, NHNN ban hành Chỉ thị 04/2018, yêu cầu các TCTD phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiêu dùng, nhất là tín dụng tiêu dùng liên quan đến bất động sản, phần nào cũng ảnh hưởng đến sự sôi động của mảng này. Tuy nhiên, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng dư nợ vẫn ở mức cao. Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, dư nợ cho vay phục vụ đời sống chiếm 18,8% tổng dư nợ của hệ thống TCTD (năm 2016 tỷ trọng này là 12,3% và năm 2017 là 18%).
Năm nay, tại Chỉ thị 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành NH trong năm 2019, Thống đốc NHNN yêu cầu TCTD kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhưng cũng chỉ đạo TCTD nghiên cứu bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các gói sản phẩm cho vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống chính đáng của người dân, xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ khi người dân gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn NH thuận lợi, hạn chế tìm đến tín dụng đen.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp, định hướng này sẽ giúp các TCTD có cơ hội có lãi cao hơn trong hoạt động tín dụng trong năm nay. Với cho vay thông thường trên hệ thống đối với doanh nghiệp, lãi cận biên có thể ở khoảng 3%. Nhưng khi cho vay cá nhân, lãi cận biên có thể là 5-6%, thậm chí có thể nhiều hơn nữa. Theo đó, các NH cũng cải thiện được lợi nhuận khi tín dụng giảm.
Phải bóc tách rủi ro
Phải bóc tách rủi ro
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH, đối với tín dụng tiêu dùng không thể bóp nghẹt mà cần khuyến khích phát triển đúng nghĩa, để từ đó làm giảm tín dụng đen, hỗ trợ vấn đề an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam. Hiện nhu cầu tiêu dùng cá nhân lên đến 66-67% GDP, do đó tiềm năng rất lớn.
Tuy nhiên, phát triển tín dụng tiêu dùng phải song hành với việc loại bỏ những rủi ro. Cụ thể, tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam được thực hiện bởi các NHTM, công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân và cả NH chính sách xã hội cho vay đối tượng nghèo (3 triệu khách hàng). Nhưng trong đó, NHTM chiếm khoảng 88%, còn lại 12% là các công ty tài chính và các tổ chức tài chính vi mô khác.
NHTM chiếm thị phần lớn một phần là vì chưa bóc tách rõ tín dụng tiêu dùng, trong đó bao gồm cả cho vay mua nhà và sửa chữa nhà ở nên con số rất lớn và tiềm ẩn nguy cơ. Thực chất, nếu bóc tách cho vay mua nhà và sửa chữa nhà ở, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 12% tổng tín dụng. Nếu bóc tách sòng phẳng giữa cho vay bất động sản và cho vay tiêu dùng sẽ lành mạnh hóa được thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia tài chính cũng đồng tình với định hướng của NHNN vừa đưa ra, tuy nhiên cũng khuyến cáo tiếp tục kiểm soát để hạn chế tín dụng bất động sản tiềm ẩn trong cho vay tiêu dùng như thời gian qua. Đồng thời, các TCTD phải phát triển thêm các sản phẩm cho vay mới. Chẳng hạn hiện nay các NH ở nước ngoài có đến hàng chục sản phẩm cho vay tiêu dùng, nhưng tại Việt Nam chỉ mới phổ biến cho vay mua hàng gia dụng điện tử, mua xe, mua nhà. Hiện người tiêu dùng cần các khoản lớn cho chữa bệnh, học hành, du lịch, mua sắm, bảo hiểm y tế. Đây là những nhu cầu chính đáng nên được khai thác để tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững.