Bộ Công Thương ngày 26-5 cho biết thực hiện Văn bản số 2380 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Cục QLTT phối hợp với Cục Quản lý cạnh tranh đã xử phạt hành vi vi phạm Luật An toàn thực phẩm của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas).
Vi phạm nặng, xử nhẹ hều
Theo đó, mức phạt tiền đối với Vinastas là 15 triệu đồng, căn cứ theo khoản 2, điều 27 và khoản 3, khoản 4, điều 4 Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đồng thời, Vinastas bị buộc thu hồi để tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm vi phạm theo khoản 3, điều 27 Nghị định số 178 năm 2013 của Chính phủ. Thời gian thực hiện quyết định xử phạt là 10 ngày, kể từ ngày 23-5.
Bình luận về mức xử phạt trên, trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng mức xử phạt phải được căn cứ theo các quy định sẵn có. Nếu quy định chưa phù hợp, có thể đề xuất sửa đổi để tránh xảy ra tình trạng xử phạt đáng ra phải nặng thì thành nhẹ. "Xử phạt hành chính là việc của nhà nước. Tất nhiên, nhà nước xử phạt thì phải đúng. Nếu quy định tối đa có bao nhiêu đó thôi thì cũng không xử lý nặng hơn được. Nhưng nếu hành vi đáng xử lý hình sự thì phải căn cứ trên đơn tố giác gửi các cơ quan điều tra xem xét" - ông Nghĩa nói.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, thẳng thắn đánh giá mức phạt 15 triệu đồng đối với những sai phạm của Vinastas là quá nhẹ. "Ngành sản xuất nước mắm truyền thống lao đao, các doanh nghiệp (DN), cơ sở nước mắm truyền thống thiệt hại nặng nề, mất khách hàng, người tiêu dùng hoang mang mất niềm tin vào sản phẩm..., đổi lại chỉ là mức phạt như phủi bụi thì khó có thể chấp nhận" - luật sư Hậu bày tỏ.
Theo luật sư Hậu, Bộ Công Thương cần xem xét lại quyết định xử phạt Vinastas cũng như cân nhắc mức chế tài phù hợp hơn đối với tổ chức này, tránh tạo tiền lệ xấu và gây tâm lý bất mãn đối với DN, người dân. Quyết định xử phạt phải trên tinh thần thượng tôn pháp luật chứ không phải phạt cho có, giơ cao đánh khẽ theo kiểu "phủ bênh phủ, huyện bênh huyện".
"Chúng tôi quá mệt mỏi..."
Trao đổi với Báo Người Lao Động, các DN nước mắm truyền thống tỏ ra khá thờ ơ với quyết định xử phạt của Bộ Công Thương. Theo các DN, việc xử lý vi phạm này thuộc chức trách của cơ quan quản lý, DN không muốn có ý kiến. Lãnh đạo hội nước mắm ở một tỉnh miền Trung bày tỏ: "Chúng tôi đã quá mệt mỏi nên không bàn luận gì nữa".
Theo chủ một DN nước mắm, vụ việc Vinastas thông tin nước mắm nhiễm asen gây hiểu lầm đã đánh một đòn nặng nề vào các DN, cơ sở nước mắm truyền thống. Tuy nhiên, may mắn là sau những thông tin không chính xác, người tiêu dùng quan tâm tìm hiểu kỹ hơn về nước mắm truyền thống và quay lại sử dụng nhiều hơn.
Trong khi đó, giám đốc một DN nước mắm truyền thống cho biết nội tại ngành sản xuất nước mắm truyền thống đang gặp phải rất nhiều vấn đề. "Sau sự cố nước mắm nhiễm asen, người tiêu dùng mới để ý đến thành phần nước mắm dù là món ăn lâu đời. Nhờ đó, họ mới chú ý để phân biệt nước mắm truyền thống, nước mắm công nghiệp, không bị nhầm lẫn như trước kia. Nhưng cũng từ đó, chúng tôi bị "rối" trong việc đáp ứng các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, nước mắm là sản phẩm truyền thống ngàn đời nhưng lại thiếu các nghiên cứu khoa học về nó nên nhiều chỉ tiêu kiểm soát bị áp theo quy định của quốc tế về thủy sản nói chung, không phù hợp với sản phẩm đặc thù. Từ đó, nếu bị kiểm tra, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống rất dễ bị phạt dù họ vẫn làm theo cách truyền thống. Trong khi đó, nước mắm công nghiệp pha loãng sẽ không bị vướng những chỉ tiêu này" - vị giám đốc lo ngại.
Cũng theo giám đốc này, điều mà các DN, cơ sở nước mắm truyền thống lo ngại nhất hiện nay là các "đại gia" nước mắm công nghiệp đang tung tiền để "bóp chết" các thương hiệu nước mắm truyền thống nhưng vì nhiều lý do vẫn không bị xử lý.
Đến thời điểm này, ai đứng sau tài trợ cho Vinastas, xử lý ra sao vẫn chưa được Bộ Công Thương đề cập. Về việc này, luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng để xác định được thì cơ quan nhà nước phải điều tra.
"Nếu không có bằng chứng thì cũng không khẳng định được. Phải xem lại những chứng cứ đơn vị đó đặt hàng nhằm mục đích gì, hợp đồng thỏa thuận nhằm mục đích gì?... Nếu mục đích đó trái pháp luật thì mới xử lý được. Nhưng nếu không có chứng cứ thì mình chỉ có thể nghi ngờ. Song, các cơ quan hữu quan hoàn toàn có quyền sử dụng quyền hạn luật pháp cho phép để yêu cầu tiếp tục điều tra, làm rõ thêm nếu như họ chưa hài lòng" - ông Nghĩa nói.
Răn đe được ai!
Đó cũng là ý kiến của hàng trăm bạn đọc qua thư chia sẻ gửi về Báo Người Lao Động trong ngày 26-5. "Một thông tin sai khi công bố ra có thể gây thiệt hại rất nặng nề về kinh tế và uy tín thương hiệu của DN nhưng phạt chừng ấy tiền thì răn đe được ai!" - bạn đọc Lý Tưởng thất vọng. Còn bạn đọc Lê Văn Sử nói: "Phạt 15 triệu đồng so với thiệt hại của cả ngành nước mắm truyền thống thì khác gì nhúm muối thả vào biển. Sao đủ thuyết phục!".