Phố ẩm thực góp phần phát triển kinh tế đêm
Kết quả khảo sát, thống kê gần đây của ngành du lịch cho thấy 70% chi tiêu của du khách là dành cho những hoạt động của kinh tế đêm. Do đó, TP.HCM đang xây dựng các đề án, chiến lược để phát triển kinh tế đêm. Ngoài ra, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch TP cũng phát động chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch”. Đây là những tiền đề để nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đề xuất được mở các phố đi bộ và phố ẩm thực đêm.
Tại khu vực trung tâm của TP, ngoài 2 phố đi bộ đã được quy hoạch lâu nay là Nguyễn Huệ và Bùi Viện, thì mới đây, sau khi đường Lê Lợi được gỡ bỏ rào chắn thi công công trình Metro và được chỉnh trang thông thoáng, rộng rãi hơn, UBND Quận 1 đã đề xuất được mở phố đi bộ, phố ẩm thực đêm tuyến phố này. Thông tin trên nhận được sự ủng hộ của nhiều doanh nghiệp du lịch của thành phố.
“Đường Lê Lợi là một con đường rất đẹp, một con đường ấn tượng của TP.HCM, vì vậy chúng tôi đề xuất nên phát triển ẩm thực đường phố, ẩm thực vùng miền tại đường Lê Lợi và đường Nguyễn Huệ. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua việc tổ chức các chương trình biểu diễn, sự kiện lễ hội trên các con đường này”- bà Ngô Thanh Thúy, Trưởng bộ phận điều hành Khách sạn Rex nói.
Cùng với Quận 1 thì từ năm 2021, UBND Quận 3 cũng đề xuất đề xuất cải tạo khu vực hồ Con Rùa thành phố đi bộ và tuyến đường Nguyễn Thượng Hiền thành phố đi bộ-ẩm thực-văn hóa sau 18h và những ngày cuối tuần. Tương tự, tuyến đường Hà Tôn Quyền đoạn qua địa bàn phường 4 và 6 của Quận 11 cũng được đề xuất xây dựng thành phố đi bộ kết hợp ẩm thực với khoảng 70 gian hàng, trong đó ưu tiên các món ẩm thực người Hoa, hoạt động vào 3 ngày cuối tuần trong khung giờ từ 16h đến 22h.
Tháng 10 vừa qua, quận Phú Nhuận cũng đã gửi đề xuất xin được thành lập phố ẩm thực trên tuyến đường Phan Xích Long kết nối với hoạt động du lịch trên tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Với những đề xuất này, người dân, các hộ kinh doanh ở trên các tuyến phố này khá hào hứng, ủng hộ.
“Đường Phan Xích Long này thành phố ẩm thực sẽ là một điểm thu hút khách, các du khách ở thành phố sẽ tập trung về đây, chứ hiện nay các hoạt động ở đây chỉ mang tính tự phát chứ chưa có sự định hình, phát triển”- ông Văn Tấn, một chủ quán ăn trên đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận bày tỏ.Ông Nguyễn Trần Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty Golden Smile Travel cho rằng việc xây dựng các tuyến phố ẩm thực đêm là điều nên làm với một thành phố có các hoạt động giao thương, giải trí về đêm phát triển như TP.HCM. Ngoài ra do là một thành phố lớn, dân số đông nên việc các quận huyện ở TP.HCM đề xuất mở phố đi bộ, phố ẩm thực ở từng địa phương cũng hợp lý.
Đây là mô hình đã được nhiều thành phố lớn như Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Bắc Kinh (Trung Quốc),... thực hiện khá hiệu quả. Tuy nhiên, theo ông Phương việc mở các tuyến phố này cũng không nên theo kiểu phong trào mà trước tiên phải cân nhắc từ nhu cầu của người dân địa phương, sau đó hướng đến mục tiêu phục vụ khách du lịch.
“Việc phát triển một con phố đêm không chỉ đem lại lợi nhuận về kinh tế mà còn đáp ứng nhu cầu về đi lại, vui chơi giải trí và giải quyết vấn đề về lao động, sinh kế cho người dân trong quận đó. Khách du lịch thực ra chỉ chiếm khoảng 50% lượng khách đến khu phố đêm thôi nên muốn có lượng khách ổn định thì chính người dân địa phương phải có nhu cầu đến khu phố đó”- ông Nguyễn Trần Hoàng Phương cho biết.
Ông Lê Trương Hiền Hòa – Phó Giám đốc Sở du lịch TP.HCM cho biết UBND TP đã giao Sở Công thương, Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp khảo sát, xem xét, đánh giá các phương án đề xuất mở các phố đi bộ - phố ẩm thực của các quận huyện, hoàn thiện và trình UBND TP. Trong quá trình này cũng sẽ tổ chức các cuộc khảo sát, lấy ý kiến của người dân, cộng đồng địa phương tại mỗi khu vực và các cuộc thảo luận, góp ý từ các cơ quan ban ngành, các chuyên gia, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ở góc độ du lịch thì ông Lê Trương Hiền Hòa cho rằng các địa phương khi xây dựng đề án nên cân nhắc đến yếu tố làm sao có sự độc đáo, khác biệt và tạo được điểm nhấn, thương hiệu riêng cho từng tuyến phố.
“Tôi đồng ý rằng mỗi quận huyện nên có một mô hình đặc trưng đối với địa phương của mình. Ví dụ vừa rồi Quận 7 đã trình một mô hình kinh tế đêm thiên về dành cho người dân địa phương và một mô hình kinh tế đêm dành cho cộng đồng người nước ngoài. Ở Quận 7 có khá đông người Hàn Quốc cũng như các nước sinh sống tại đây nên họ đề xuất một mô hình kinh tế đêm dành cho ẩm thực các nước. Đó cũng là một trong những nét đặc trưng”- ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết.
Theo đề án vừa được Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP.HCM vào tháng 7, từ nay đến năm 2025, TP dự kiến mở thêm 22 phố đi bộ trên một số tuyến đường thuộc khu vực trung tâm. Các tuyến phố này sẽ được lập đề án, triển khai thí điểm rồi mới đi vào hoạt động chính thức. Việc tổ chức các phố đi bộ và phố ẩm thực đêm chắc chắn phải tính toán đến các yếu tố như mỹ quan đô thị, môi trường, giao thông, an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, tiếng ồn, nơi đậu đỗ xe.