Phó Chủ tịch EC: Chuyển đổi xanh tạo nên thay đổi lớn cho thế hệ sau

(ĐTTCO) - Diễn đàn và triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) lần thứ 3 với mục tiêu tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hoạch định chính sách chiến lược và đầu tư cho tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Sáng 21-10, GEFE 2024 chính thức khai mạc tại TPHCM, với chủ đề “Kiến tạo tương lai xanh”. Sự kiện do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Bộ Công Thương đồng tổ chức.

02.jpg
Lễ cắt băng khai mạc GEFE 2024. Ảnh: Đình Dư

GEFE 2024 với chuỗi chương trình kéo dài 3 ngày từ 21-10 đến 23-10 gồm các phiên thảo luận cấp cao, triển lãm công nghệ xanh và các hoạt động kết nối doanh nghiệp B2B. Sự kiện quy tụ hơn 200 gian hàng, bao gồm 13 gian hàng quốc tế, mang đến cho khách tham quan cơ hội khám phá các công nghệ và sáng kiến xanh tiên tiến nhất, giúp tiếp cận các giải pháp về năng lượng tái tạo, tài chính xanh, xây dựng bền vững và thị trường carbon.

04.jpg
Lãnh đạo TPHCM và EC tham quan các gian hàng tại GEFE 2024. Ảnh: Đình Dư
01.jpg
Gian hàng tham gia sự kiện. Ảnh: Đình Dư
12.jpg
Khách tham quan quan tâm tìm hiểu thông tin tại một gian hàng nước ngoài. Ảnh: Đình Dư

Đến dự và phát biểu, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, đánh giá GEFE 2024 là một sự kiện thường niên uy tín và có quy mô hàng đầu tại Việt Nam, trở thành một hình mẫu hợp tác công tư trong thúc đẩy tăng trưởng xanh.

"Việt Nam đã đề ra mục tiêu tổng quát là xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Qua đó, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu giảm sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu", ông Bùi Thanh Sơn chia sẻ.

08.jpg
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu. Ảnh: Đình Dư

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đến phương châm phát huy nội lực là cơ bản và chiến lược là lâu dài và là nhân tố quyết định. Ngoại lực và sức mạnh của thời đại là yếu tố quan trọng và đột phá. Việt Nam đã linh hoạt, sáng tạo cũng như quyết liệt trong triển khai các biện pháp phát triển kinh tế xanh. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều gói giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực trên nhiều mặt.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vui mừng thông báo, Việt Nam đã ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, dự kiến sẽ triển khai thí điểm sàn giao dịch chứng chỉ carbon vào năm 2025.

07.jpg
Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas phát biểu. Ảnh: Đình Dư

Cũng tại sự kiện, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margaritis Schinas, khẳng định Việt Nam là một ví dụ điển hình về hợp tác chiến lược và tăng trưởng xanh là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác. Các sự kiện như GEFE 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc biến những mục tiêu chung thành hiện thực.

“Thời điểm chuyển đổi xanh đầy thử thách, nhưng chính trong những lúc như thế, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi lớn cho thế hệ mai sau”, ông Margaritis Schinas nói.

10.jpg
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu. Ảnh: Đình Dư

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết TPHCM với trên 10 triệu dân, đóng góp 16% GDP và trên 26% thu ngân sách quốc gia, là địa phương thu hút FDI lớn nhất tại Việt Nam. TPHCM đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, tiến hành chuyển đổi công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt TPHCM là địa phương tiên phong thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị COP26 và trước mắt đang tập trung thực hiện mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030.

“GEFE sẽ giúp TPHCM có thêm thông tin, kinh nghiệm và kết nối nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bao trùm”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kỳ vọng.

11.jpg
Phiên thảo luận cấp cao mở đầu sự kiện. Ảnh: Đình Dư

Các phiên thảo luận tại GEFE 2024 tập trung vào Hiệp định Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), giúp các quốc gia đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng, trong khi vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Trong suốt sự kiện, hơn 150 diễn giả tham gia hơn 30 phiên hội thảo với các chủ đề cấp bách như Quy hoạch Điện VIII (PDP8), thị trường carbon, tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn… để giúp các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách nắm bắt những xu hướng và cơ hội mới trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam.

AF00AB4C-37F3-4BF5-98DB-953ED27950B8.jpeg
Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc gặp gỡ báo chí trưa cùng ngày. Ảnh: Đình Dư

Trưa cùng ngày, tại cuộc gặp gỡ báo chí, trước câu hỏi của phóng viên ĐTTC về thách thức nào đối với EuroCham trong việc triển khai mục tiêu kiến tạo tương lai xanh tại Việt Nam, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, cho biết Việt Nam còn nhiều luật và chưa khớp với nhau, cho nên cần nhiều thời gian để điều chỉnh.

“Chỉ khi có một bộ khung pháp lý và các bộ luật của các quy định liên quan đúng đắn thì mới thu hút được các nhà đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng ta cần được giải quyết. Hiện tại sản xuất năng lượng tại Việt Nam là năng lượng rẻ và không sạch. Còn năng lượng chuyển đổi, năng lượng xanh thì đắt đỏ", ông Bruno Jaspaert trả lời.

Theo ông Bruno Jaspaert, chính vì lý do này cho nên việc cân bằng giữa duy trì cung ứng nguồn năng lượng rẻ một cách hợp lý và song hành việc chuyển đổi năng lượng sạch, đắt đỏ hơn chính là khó khăn đối với Việt Nam, "nhưng trong mọi vấn đề, tôi tin Việt Nam luôn có các giải pháp”, Chủ tịch EuroCham bày tỏ.

Các tin khác