Theo lịch trình do Văn phòng Phó tổng thống Mỹ cung cấp, chuyên cơ của bà Kamala Harris dự kiến hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào 18h hôm nay 24/8.
Hai chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ), ông Murray Hiebert và ông Gregory Poling, nhận định chuyến thăm của bà Harris thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Hai chuyên gia cho rằng chuyến thăm sẽ thúc đẩy hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trên lĩnh vực ứng phó đại dịch, chống biến đổi khí hậu, và đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Poling và Hiebert cũng chỉ ra một lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác của Mỹ và Việt Nam: Thỏa thuận thương mại số.
Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng
- Phó tổng thống Kamala Harris thăm Việt Nam sau 6 tháng của năm đầu nhiệm kỳ. Chuyến thăm sớm như vậy ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung?
- Ông Greg Poling: Điều này cho thấy rằng Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Mỹ.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore là chiếc mỏ neo giúp Mỹ duy trì hiện diện trong khu vực. Philippines là đồng minh hiệp ước lâu năm nhất của Mỹ. Nhưng sau hai nước này, Việt Nam rõ ràng là nước chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược nhất với Mỹ trong khu vực.
Ông Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc CSIS. Ảnh: CSIS.
Các chính quyền liên tiếp của Mỹ, đặc biệt là từ sau chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, đã cam kết làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước.
Trên phương diện kinh tế, Việt Nam cũng ngày càng quan trọng với vai trò là mắt xích then chốt trong chuỗi cung ứng thiết yếu của doanh nghiệp Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam hiện còn là đối tác thương mại lớn và cũng là điểm đến đầu tư lớn của Mỹ.
- Ông Murray Hiebert: Cả chính quyền trước và chính quyền Tổng thống Joe Biden đều muốn thể hiện với Việt Nam rằng đây là mối quan hệ quan trọng, và một cách để thể hiện điều đó là phái các quan chức cấp cao sang thăm.
Chúng ta vừa có chuyến thăm của tướng Lloyd Austin vào tháng 7 và lúc này tiếp tục là chuyến thăm của Phó tổng thống Harris. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam và Đông Nam Á rất quan trọng với Mỹ.
Việt Nam là thị trường lớn của Mỹ với gần 100 triệu dân và cũng ngày càng là cơ sở sản xuất quan trọng. Nhiều mặt hàng tiêu dùng mà người Mỹ sử dụng được sản xuất tại Việt Nam.
Các công ty cũng đang tìm kiếm nguồn cung chất bán dẫn khắp nơi. Khi sản xuất ngày càng nhiều thiết bị điện tử cần chip bán dẫn, thế giới sẽ phải tìm nguồn cung từ thêm nhiều nơi. Việt Nam cũng có thể ngày càng trở nên quan trọng trên lĩnh vực này.
- Trước chuyến thăm của bà Harris, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã thăm Việt Nam vào cuối tháng 7. Thông điệp chính quyền Biden muốn gửi gắm khi chọn Việt Nam là điểm đến trong 2 chuyến thăm cấp cao liên tiếp là gì?
- Ông Greg Poling: Có cả thông điệp chung với Đông Nam Á và thông điệp riêng với Việt Nam. Về thông điệp chung, chính quyền Biden muốn thể hiện rằng họ biết là về tổng thể, họ chưa chú ý đủ tới Đông Nam Á.
Vì thế, chuyến công du của ông Austin trong tháng 7, sự tham gia của Ngoại trưởng Blinken trong chuỗi hội nghị ASEAN trong tháng 8, và chuyến thăm sắp tới của bà Harris đều nhằm ra tín hiệu rằng Mỹ cam kết với Đông Nam Á.
Về thông điệp riêng với Việt Nam, rõ ràng là hai chuyến công du liên tiếp của Bộ trưởng Austin và bà Harris nhằm thể hiện Mỹ cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ an ninh và chính trị với Việt Nam.
Tôi cho rằng mục đích của việc ký thỏa thuận giải quyết hậu quả chiến tranh trong chuyến đi của ông Austin là xây dựng lòng tin giữa hai nước. Phó tổng thống Harris cũng sẽ cố gắng tập trung vào những điều tốt đẹp mà một mối quan hệ thân thiết có thể đem lại cho hai nước, như ứng phó đại dịch, quản lý chuỗi cung ứng, và chống lại biến đổi khí hậu.
- Ông Murray Hiebert: Một số nước láng giềng của Việt Nam đã có chút ghen tị vì chưa được Mỹ thăm cấp cao. Tôi nghĩ rằng điều này thể hiện một vài thông điệp như sau.
Murray Hiebert, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại CSIS. Ảnh: CSIS.
Đầu tiên, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng và đáng kể của Mỹ. Thương mại giữa Mỹ và Việt Nam gần đây tăng trưởng rất nhanh chóng.
Ngoài ra, Mỹ lo ngại về Covid-19 và biến chủng Delta nên muốn tìm cách hợp tác với các nước, đặc biệt là những nước như Việt Nam.
Vì thế, Mỹ đang gửi lượng lớn vaccine và sắp tới sẽ mở văn phòng khu vực ASEAN của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Việt Nam. Tôi cũng được biết Phó tổng thống Harris sẽ gặp bộ trưởng Y tế các nước ASEAN trong thời gian ở Hà Nội.
Như vậy, việc thăm cấp cao hai lần liên tiếp còn thể hiện Mỹ xem Việt Nam là đối tác chiến lược mà Mỹ có thể hợp tác trên nhiều lĩnh vực như y tế và Covid-19.
Triển vọng nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược
- Những chuyến thăm liên tiếp có phải là dấu hiệu Mỹ muốn thúc đẩy nâng cấp quan hệ song phương Việt - Mỹ lên tầm đối tác chiến lược?
- Ông Greg Poling: Tôi nghĩ rằng Mỹ chắc chắn muốn thiết lập mối quan hệ ấy. Theo tôi nhớ thì cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là người đầu tiên đề cập chuyện này với người đồng cấp Việt Nam.
Tôi cho rằng chúng ta đang tiến sát tới thời điểm mà lợi ích của quan hệ đối tác chiến lược chính thức với Mỹ trong mắt Việt Nam sẽ vượt qua các mối lo ngại. Mỹ rõ ràng cũng đang nỗ lực để cố gắng khắc phục những điểm còn khiến Việt Nam chần chừ.
Theo tôi, có hai cách để Mỹ có thể tiếp tục cải thiện quan hệ với Việt Nam. Đầu tiên, Mỹ cần tiếp tục giải quyết hậu quả chiến tranh như dọn dẹp chất độc da cam, giúp tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, và có lẽ là hỗ trợ thêm về mặt tài chính cho những người chịu hậu quả dioxin lâu dài.
Mỹ cũng cần ra tín hiệu về sức mạnh và cam kết của mình. Nếu Mỹ ngày càng hiện diện trong khu vực Đông Nam Á và ngày càng trao đổi về mặt kinh tế, quân sự, Việt Nam sẽ càng thêm tin tưởng rằng Mỹ sẽ ở đây lâu dài.
Tôi nghĩ rằng nhiều nhà phân tích, học giả, và quan chức chính phủ Việt Nam đã bày tỏ mong muốn nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược. Tuy còn một số lo ngại, xu thế đang nghiêng về người ủng hộ nâng tầm quan hệ.
Tàu CSB 8021 do Mỹ chuyển giao cho Việt Nam. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ.
- Ông Murray Hiebert: Có rất nhiều phỏng đoán về việc này. Tôi cũng không biết rõ. Nó như một cái tách vậy. Việc bạn gọi nó là gì không quan trọng, có thể là cái tách, cái cốc, hay những tên gọi khác. Điều quan trọng hơn cả là bạn bỏ thứ gì vào bên trong.
Tôi nghĩ rằng kể từ khi thỏa thuận đối tác toàn diện được ký kết vào năm 2013, Mỹ đã nhiều lần sẵn sàng đàm phán quan hệ đối tác chiến lược.
Nhiều khả năng hai nước sẽ không tuyên bố và ký kết đối tác chiến lược ngay trong chuyến thăm này. Nhưng có thể Phó tổng thống Harris sẽ đưa ra đề xuất, hoặc hai bên quyết định là họ muốn cùng bước về hướng ấy và bắt đầu đàm phán quan hệ đối tác chiến lược.
Bạn không thể thống nhất về những thành tố trong mối quan hệ đối tác chiến lược nghiêm túc chỉ trong 20 phút, mà cần có quá trình đàm phán lâu dài.
- Vấn đề hợp tác an ninh và ứng phó đại dịch sẽ là nội dung chính trong chuyến đi của bà Harris, hai bên có thể kỳ vọng kết quả thực chất gì từ chuyến thăm?
- Ông Greg Poling: Tôi biết rằng Phó tổng thống Harris sẽ có buổi họp mặt trực tuyến với bộ trưởng Y tế của 10 nước ASEAN để trao đổi về hỗ trợ đại dịch. Tôi đoán là Mỹ sẽ có thông báo cụ thể trong sự kiện này, như hỗ trợ thêm tài chính hoặc có các biện pháp khác giúp ứng phó Covid-19.
Thông điệp chung mà Mỹ muốn gửi đi là Washington sẽ tiếp tục đưa vaccine tới khu vực càng sớm càng tốt. Chính quyền Biden đã chia sẻ hơn 100 triệu liều vaccine từ tháng 6, và một phần lớn trong đó là cho châu Á.
Tôi cho rằng đây sẽ là một tâm điểm trong chuyến đi của bà Harris. Mỹ hiểu rằng tuy mình là nước quyên góp số vaccine nhiều nhất thế giới, họ cần đẩy nhanh tốc độ trong chuyện này.
Hơn 1,5 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ viện trợ về đến Hà Nội vào chiều tối ngày 25/7. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Về mặt quốc phòng, tôi không biết nội dung cụ thể nhưng có một số điều Mỹ sẽ tập trung vào, như gia tăng số lần tàu Mỹ thăm Việt Nam hàng năm và nâng cấp diễn tập quân đội chung. Mỹ cũng đã có một số bước đi lớn trong những năm qua trên phương diện bán và chuyển giao máy bay và tàu tuần duyên cho Việt Nam.
Chúng ta có thể được nghe thông báo về việc Mỹ bán thêm các hệ thống khí tài cho Việt Nam nhưng tôi không chắc chi tiết cụ thể.
- Ông Murray Hiebert: Như đã nói ở trên, bà Harris sẽ gặp mặt bộ trưởng Y tế các nước ASEAN và khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC Mỹ tại Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng sẽ có thông báo về việc Mỹ hỗ trợ thêm vaccine cho Việt Nam ngay trước khi bà Harris tới hoặc khi bà ấy đã có mặt ở đây. Bà ấy có thể là người thông báo điều này.
Khi Mỹ không kịp sản xuất khẩu trang và thiết bị bảo hộ cá nhân vào năm 2020, Việt Nam đã chia sẻ rất hào phòng với Mỹ. Nghĩa cử ấy đã được ghi nhớ và Mỹ cũng muốn đền đáp hào phóng tương tự, khi Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Về an ninh quốc phòng, tôi không biết liệu họ sẽ bàn luận và thống nhất điều gì khi Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã thăm Việt Nam chỉ chưa đầy một tháng trước.
Một trong những thông báo lớn nhất trong chuyến thăm của ông Austin là việc ký bản ghi nhớ về việc Mỹ giúp tìm kiếm hài cốt liệt sỹ Việt Nam bằng công nghệ ADN.
Trước đó, trong năm nay, Mỹ từng chuyển tàu tuần duyên cho Việt Nam. Mỹ cũng luôn mong muốn được diễn tập chung, đặc biệt là ở ngoài khơi. Tôi cũng không biết bà Harris sẽ trao đổi điều gì ngoài việc tái khẳng định hai nước muốn hợp tác trên Biển Đông.
Một phương diện hợp tác mới
- Triển vọng gia nhập thỏa thuận thương mại số của hai nước như thế nào?
- Ông Greg Poling: Vấn đề với CPTPP là phạm vi bao phủ quá rộng, gần như toàn bộ nền kinh tế, nên số lượng nhóm người bị ảnh hưởng ở Mỹ sẽ rất nhiều. Bất kể bạn làm gì cũng sẽ đều làm mất lòng một ai đó.
Nhưng mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn nếu ta chỉ tập trung vào một ngành duy nhất như thương mại số. Điều này sẽ xua tan các lo ngại từ các công đoàn, lo ngại về môi trường và quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, nền tảng cho thỏa thuận thương mại số cũng đã được xây dựng sẵn vì các bên từng đàm phán về lĩnh vực này trong CPTPP. Hơn nữa, Mỹ cũng từng đàm phán thỏa thuận mới về thương mại số với Mexico, Canada, và Nhật Bản dưới thời Trump.
Mỹ đã đồng ý với những quy định nói trên ở các diễn đàn khác nên sẽ không quá khó để Mỹ lấy những quy định đó và áp dụng với các thành viên trong CPTPP dưới hình thức đa phương.
- Ông Murray Hiebert: Chính quyền Biden từng nói qua về việc tham gia thỏa thuận thương mại số. Khả năng Mỹ tham gia thỏa thuận thương mại số là lớn hơn nhiều.
Tôi biết chính quyền Biden đã trao đổi một chút với Singapore và Nhật Bản, nhưng họ cần mở rộng phạm vi hơn thế. Tôi cho rằng thỏa thuận thương mại số sẽ được ủng hộ rộng hơn so với thỏa thuận thương mại nói chung.
- Ông nhìn nhận thế nào về quan hệ hợp tác giữa Bộ Tứ và Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung? Các bên nên tập trung hợp tác trên những phương diện nào?
- Ông Gregory Poling: Bộ Tứ ủng hộ những mục tiêu mà ASEAN tán thành, đặc biệt là trên một số vấn đề như Biển Đông. Việc ủng hộ nỗ lực tăng cường an ninh hàng hải là phù hợp với lợi ích của mọi quốc gia cùng chung chí hướng.
Bộ Tứ nên tìm cơ hội để tương tác với Việt Nam trên phương diện này và các vấn đề quan trọng khác, bao gồm hỗ trợ ứng phó Covid-19, quản lý chuỗi cung ứng, và các ngành công nghiệp mới nổi.
- Ông Murray Hiebert: Như bạn đã biết, Bộ Tứ là một nhóm không chính thức (giữa bốn thành viên là Mỹ, Australia, Nhật Bản, và Ấn Độ - PV) tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh, kinh tế, và y tế. Vì tình hình Covid-19 trong nước, đặc biệt là ở TP.HCM, Việt Nam ban đầu có thể tập trung hợp tác với nhóm Bộ Tứ để có được vaccine ngừa Covid-19.
Hà Nội có thể tăng cường hợp tác về nhận thức hàng hải với nhóm này. Rộng hơn nữa, Việt Nam cũng có thể tìm cách phối hợp với Bộ Tứ trên các vấn đề biến đổi khí hậu và xây dựng chuỗi cung ứng bền bỉ.
Phó tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam
- Bà Harris là nữ phó tổng thống đầu tiên của Mỹ và cũng là nữ phó tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam. Điều này có ý nghĩa gì? Ông nhìn nhận bà Harris như thế nào?
- Ông Greg Poling: Bà Harris có rất nhiều cái đầu tiên. Bà không chỉ là người phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm vai trò phó tổng thống Mỹ mà còn là người da đen đầu tiên trong cương vị ấy, bao gồm cả người gốc Á và người gốc Phi đầu tiên.
Phó tổng thống Harris không có nhiều kinh nghiệm đối ngoại. Chuyên môn của bà là về nội trị. Bà ấy từng là tổng chưởng lý bang California rồi thượng nghị sĩ nên kinh nghiệm của bà là trong lĩnh vực lập pháp và thực thi pháp luật.
Chính quyền ông Biden biết bà Harris còn yếu về đối ngoại nên đã liên tục để bà ấy va chạm nhiều hơn. Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai và chuyến đi đầu tiên của bà Harris tới châu Á, nên nó sẽ rất được dõi theo.
Bà Harris là phó tổng thống nữ giới đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Ảnh: AFP.
Bà Harris sẽ cố gắng có chương trình nghị sự tích cực. Bà sẽ nói về những phương diện mà Mỹ và Việt Nam có thể cùng hợp tác để ứng phó thách thức chung của hai nước cũng như thách thức toàn cầu. Điều này thống nhất với lập trường chính trị của một người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến như bà Harris.
Phó tổng thống sẽ thảo luận về ứng phó đại dịch, bình đẳng giới, và vấn đề tương tự. Những điều này có lẽ là chủ đề thích hợp vào thời điểm hiện tại: Ứng phó Covid-19 là vấn đề quan trọng nhất mà Mỹ và Việt Nam cần hợp tác cùng nhau, và cũng là vấn đề toàn cầu của Mỹ. Biến đổi khí hậu có thể là lĩnh vực đứng thứ hai.
- Ông Murray Hiebert: Tôi nghĩ rằng thật tốt khi Mỹ có một phó tổng thống nữ thuộc nhóm thiểu số. Điều này nói lên thông điệp về việc trao quyền bình đẳng cho các nhóm thiểu số. Tôi từng hy vọng nước Mỹ sẽ có một tổng thống nữ giới nhưng có lẽ chúng tôi chưa sẵn sàng cho điều ấy.
Bà Harris đã được trao cho một số nhiệm vụ rất khó khăn như xử lý khủng hoảng người tị nạn ở biên giới Mexico.
Ông Biden đã để bà Harris tham gia trong nhiều sự kiện ngoại giao chính sách. Bà ấy từng cùng ông Biden tham gia hội nghị Bộ Tứ về việc hợp tác với Ấn Độ, Nhật Bản, và Australia. Bạn cũng có thể thấy bà Harris rất tích cực tham gia trao đổi về tình hình Afghanistan.
Khả năng cao Tổng thống Biden sẽ thăm Việt Nam
Khi được hỏi, ông Poling đánh giá khả năng Tổng thống Biden sẽ tới thăm Việt Nam trong tương lai là rất cao.
“Tổng thống Biden lên nhậm chức vào thời điểm việc đi lại giữa các nước gặp nhiều khó khăn. Vì thế, lịch trình của ông ấy sẽ khác biệt với mọi tổng thống khác”, ông Poling nói.
“Nhưng rõ ràng là Tổng thống Biden sẽ tới châu Á vào một thời điểm nào đó, bao gồm Đông Nam Á. Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Việt Nam không phải một điểm đến trong chuyến đi ấy”, ông Poling nhận định.