Dow đóng cửa tăng 700 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng vọt 700.53 điểm, tương đương 2.13%, đóng cửa ở mức 33,630.61 điểm. Chỉ số S&P 500 bật 86.98 điểm, tương đương 2.28%, lên 3,895.08 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 264.05 điểm, tương đương 2.6%, kết thúc ở mức 10,569.29 điểm.
Đây là phiên tăng mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ ngày 30/11/2022 và là phiên tốt nhất của Nasdaq Composite kể từ ngày 29/12/2022. Mỗi cổ phiếu thành phần thuộc Dow đều khép phiên ngày thứ Sáu trong sắc xanh.
Đà tăng trong ngày thứ Sáu đã giúp chứng khoán Mỹ ghi nhận mức tăng trong tuần, tuần đầu tiên của năm 2023. Dow Jones và S&P 500 đều tăng 1.5% trong tuần qua, còn Nasdaq Composite tiến 1%.
Báo cáo việc làm tháng 12/2022 của Mỹ cho thấy nền kinh tế nước này đã tạo ra thêm 223,000 việc làm trong tháng trước, cao hơn một chút so với mức 200.000 việc làm dự kiến mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Dow Jones dự báo. Ngoài ra, tiền lương tăng chậm hơn dự báo, chỉ tăng 0.3% trong tháng trước, thấp hơn so mức dự báo tăng 0.4% từ các chuyên gia kinh tế.
Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors, nhận định: “Tất cả những gì nhà đầu tư quan tâm là dữ liệu cho thấy lạm phát đang hướng tới mức mục tiêu của Fed. Và thu nhập bình quân mỗi giờ cho thấy lạm phát tiếp tục giảm. Họ rất vui mừng về điều đó.”
Cổ phiếu tăng trở lại khi chỉ số quản lý mua hàng PMI phi sản xuất của ISM cho thấy ngành dịch vụ đã thu hẹp trong tháng 12, một dấu hiệu cho thấy các đợt nâng lãi suất của Fed có thể đang làm chững lại nền kinh tế.
Dầu ổn định, với sự sụt giảm hàng tuần do lo ngại suy thoái kinh tế
Khép phiên, dầu Brent giao sau giảm 12 cent, tương đương 0,2%, xuống 78,57 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 10 cent, tương đương 0,1%, lên 73,77 USD.
Trong tuần qua, cả dầu Brent và dầu WTI đều giảm hơn 8%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2016. Cả hai loại dầu này đã tăng khoảng 13% trong ba tuần trước đó.
Theo báo cáo từ Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM), hoạt động ngành dịch vụ Mỹ trong tháng 11 đã giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm rưỡi.
Nhưng một báo cáo khác cho thấy nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm việc làm với tốc độ cao trong tháng 12/2022, đẩy tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức thấp trước đại dịch là 3.5% do thị trường lao động vẫn thắt chặt.
Báo cáo việc làm của Mỹ đã khiến đồng đô la Mỹ giảm và chứng khoán toàn cầu phục hồi khi nhà đầu tư đặt cược rằng lạm phát đang giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không cần phải quá mạnh tay như một số lo ngại.
Đồng đô la Mỹ suy yếu có thể thúc đẩy nhu cầu dầu, vì hàng hoá được neo giá theo đồng bạc xanh sẽ trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang khu vực Atlanta, Raphael Bostic, cho biết số liệu việc làm mới nhất của Hoa Kỳ là một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế nước này đang dần chững lại và nếu điều đó tiếp diễn thì Fed có thể giảm mức nâng lãi suất xuống 0.25 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách tiếp theo.
Nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Ả-rập Xê-út, đã hạ giá bán dầu thô nhẹ Ả-rập mà nước này bán sang châu Á xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 trong bối cảnh áp lực toàn cầu tác động lên giá dầu.
Các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, ghi nhận 5 phiên tăng liên tiếp vào ngày thứ Sáu nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư rằng nền kinh tế nước này sẽ sớm thoát khỏi khủng hoảng Covid-19 và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2023.