Dow Jones chứng kiến phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 3;
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones lao dốc 388 điểm, tương đương 1.14%, xuống 33,618.88 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2023. Chỉ số này đã khép phiên dưới mức trung bình động 200 ngày lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023.
Chỉ số S&P 500 hạ 1.47% xuống 4,273.53 điểm, đóng cửa dưới mức 4,300 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 09/6/2023. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite sụt 1.57% còn 13,063.61 điểm.
Cổ phiếu Amazon mất 4% – mạnh nhất trong số các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn – sau khi Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ đơn kiện về chống độc quyền, cho rằng công ty bán lẻ trực tuyến giữ giá cao một cách giả tạo và gây tổn hại cho các đối thủ cạnh tranh.
Doanh số bán nhà ở mới trong tháng 8 tại Mỹ không đạt kỳ vọng. Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng số nhà theo hợp đồng là 675,000 căn trong tháng 8, giảm 8.7% so với tháng 7, thấp hơn so với dự báo tổng số là 695,000 căn, tương đương mức giảm 2.7% so với tổng số được điều chỉnh của tháng 7/2023.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board đã hạ từ 108.7 trong tháng 8 xuống 103 trong tháng 9, thấp hơn so với dự báo 105.5 từ các chuyên gia kinh tế. Chỉ số kỳ vọng giảm xuống 73.7, thấp hơn so với mức mà các nhà quan sát liên tưởng đến suy thoái kinh tế.
Jamie Dimon - Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase đã cảnh báo lãi suất có thể cần phải nâng thêm nữa để làm giảm lạm phát. Những bình luận này càng góp phần khiến tâm lý thị trường tiêu cực trong ngày thứ Ba. Nhóm cổ phiếu ngân hàng chìm trong sắc đỏ, với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF rớt hơn 1%. Cổ phiếu Wells Fargo sụt 2%, còn cổ phiếu Morgan Stanley lùi 1%.
Chứng khoán Mỹ rực đỏ vào thứ Ba, góp phần làm tăng tổng mức giảm trong tháng. Nasdaq Composite đã sụt gần 7% từ đầu tháng 9 đến nay, còn S&P 500 và Dow Jones lần lượt giảm hơn 5% và 3%. Trong số các yếu tố khiến cổ phiếu giảm điểm trong tháng này là cảnh báo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rằng cơ quan này nhận thấy có ít đợt hạ lãi suất hơn trong năm tới. Thông tin này đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2007.
Dầu tăng gần 1% do lo ngại nguồn cung khan hiếm
Khép phiên, dầu Brent cộng 67 xu, tương đương 0.7%, lên 93.96 USD/thùng. Trong khi dầu WTI thêm 71 xu, tương đương 0.8%, lên 90.39 USD/thùng.
Vào thứ Hai, Nga đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu xăng và dầu diesel. Việc xuất khẩu các sản phẩm đã được cấp phép của 2 tập đoàn Russian Railways và Transneft có thể được tiếp tục, trong khi xăng và nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh cao sẽ được miễn lệnh cấm.
Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng chất lượng cao vẫn được áp dụng.
Nguồn cung dầu vẫn khan hiếm khi Nga và Ả-rập Saudi gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm.
Các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong những ngày gần đây đã nhắc lại cam kết chống lạm phát, báo hiệu chính sách tiền tệ thắt chặt có thể kéo dài lâu hơn so với dự báo trước đây. Lãi suất cao hơn làm trì trệ tăng trưởng kinh tế, góp phần làm giảm nhu cầu dầu.
Tiếp tục kìm hãm đà tăng giá dầu, đồng USD đã tăng lên đỉnh 10 tháng vào thứ Ba, khi lợi suất trái phiếu cao hơn thu hút nhà đầu tư đổ xô vào đồng bạc xanh.
Là loại tiền tệ được sử dụng để neo giá dầu, đồng USD mạnh hơn thường gây áp lực lên nhu cầu dầu vì giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà nhập khẩu sử dụng đồng nội tệ.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s cho biết hôm thứ Hai rằng việc đóng cửa Chính phủ Mỹ sẽ gây tổn hại đến tín dụng của nước này, cảnh báo này được đưa ra 1 tháng sau khi Fitch hạ bậc xếp hạng của Mỹ do cuộc khủng hoảng trần nợ.
Lo ngại của nhà đầu tư về nguồn cung khan hiếm tại trung tâm dự trữ Cushing, Oklahoma cũng thúc đẩy giá dầu. Theo đó, dự trữ dầu thô tại Cushing đang ở mức thấp nhất trong 14 tháng do nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu tăng mạnh, gây ra lo ngại về chất lượng của lượng dầu còn lại và khả năng giảm xuống dưới mức hoạt động tối thiểu.