S&P 500, Nasdaq đóng cửa cao hơn
Khép phiên, chỉ số S&P 500 nhích 0.4% lên 4,337.44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite thêm 0.45% lên 13,271.32 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 43.04 điểm, tương đương 0.13%, lên 34,006.88 điểm. Cả 3 chỉ số chính đều chấm dứt chuỗi 4 phiên thua lỗ liên tiếp.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 10 điểm cơ bản lên 4.542%, mức cao nhất kể từ năm 2007 khi đạt 4.57%.
Chứng khoán Mỹ dường như bỏ qua những động thái diễn ra trên thị trường trái phiếu. Cổ phiếu tập đoàn hoá chất Dow là cổ phiếu hoạt động tốt nhất thuộc Dow Jones, tăng 1.7% sau khi được JPMorgan nâng bậc tín nhiệm. 8/11 lĩnh vực thuộc S&P 500 kết phiên trong sắc xanh, với nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn đầu đà tăng, tăng 1.3%.
Cổ phiếu Amazon tiến hơn 1% sau khi gã khổng lồ ngành bán lẻ trực tuyến cho biết vào thứ Hai rằng sẽ đầu tư tới 4 tỷ USD vào công ty trí tuệ nhân tạo Anthropic.
Chứng khoán Mỹ đã gặp khó khăn trong tháng này sau khi Fed báo hiệu sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, làm lợi suất trái phiếu tăng cao. Thị trường cũng phải đối mặt với đà leo dốc của giá dầu và đồng bạc xanh trong tháng giao dịch thường yếu kém theo mùa. Năng lượng là lĩnh vực hoạt động mạnh mẽ nhất thuộc S&P 500 trong tháng 9, tăng hơn 2%.
S&P 500 đã giảm gần 4% từ đầu tháng 9 đến nay, sắp ghi nhận tháng giảm thứ 2 liên tiếp và là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022. Nasdaq Composite rớt 5.4% trong tháng 9 khi các cổ phiếu tăng trưởng phải gánh chịu hậu quả của đột bán tháo, đồng thời dự kiến ghi nhận tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022. Dow Jones hạ 2% trong tháng này.
Các nhà đầu tư cũng theo dõi sát sao tiến độ giải quyết vấn đề ngân sách ở Washington. Vào cuối tuần qua, các nhà lập pháp đã bày tỏ một số dấu hiệu tiến triển về một thoả thuận sẽ giữ cho Chính phủ Mỹ được tài trợ trong thời gian còn lại của năm. Hôm thứ Hai, Moody’s Investors Service đã cảnh báo việc đóng cửa chính phủ sẽ là một sự kiện “tiêu cực về tín dụng” đối với Mỹ.
Nga nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu
Kết phiên, giá dầu Brent tiến 2 xu lên 93.29 USD/thùng. Trong khi giá dầu WTI sụt 35 xu còn 89.68 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm trong tuần trước sau khi Fed diều hâu làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu và làm gia tăng lo ngại rằng lãi suất có thể duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, qua đó có thể làm giảm nhu cầu dầu. Đà giảm đó cũng phá vỡ chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp hơn 10% sau khi Ả-rập Saudi và Nga hạn chế nguồn cung bằng cách gia hạn cắt giảm sản lượng đến cuối năm.
Nga đã thông qua những thay đổi đối với lệnh cấm xuất khẩu nhiên liệu, dỡ bỏ những hạn chế đối với nhiên liệu được sử dụng làm nhiên liệu cho một số tàu và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao, một tài liệu của Chính phủ Nga cho biết hôm thứ Hai.
Lệnh cấm xuất khẩu đối với tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao được công bố vào thứ Năm tuần trước, vẫn được giữ nguyên.
Tuần trước, Moscow đã ban hành lệnh cấm tạm thời xuất khẩu xăng và dầu diesel sang hầu hết các nước để giữ ổn định thị trường nội địa, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung sản phẩm thấp khi Bắc Bán cầu bước vào mùa đông.
Cũng góp phần đè nặng lên giá dầu, chỉ số đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ những đồng tiền khác, làm giảm nhu cầu dầu.
Về vấn đề nguồn cung, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm 8 giàn xuống còn 507 giàn trong tuần trước, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022, bất chấp giá dầu tăng cao, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy vào ngày 22/09.
Kỳ vọng dữ liệu kinh tế tốt hơn trong tuần này từ Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã hỗ trợ tâm lý thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cảnh báo rằng giá dầu phải đối mặt ngưỡng kháng cự kỹ thuật tại mức đỉnh từ tháng 11/2022 đã đạt được vào tuần trước.