Lãi suất “nóng” khiến nhà đầu tư lo lắng
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất 34,99 điểm, tương đương 0,1%, kết thúc ở mức 33.891,02. Chỉ số 30 cổ phiếu đã tăng điểm sau khi mất hơn 240 điểm vào đầu phiên.
S&P 500 trượt 25,40 điểm, tương đương 0,61%, đóng cửa ở mức 4.111,08. Nasdaq Composite có mức giảm lớn nhất trong ba chỉ số, trượt 1%, tương đương 119,50 điểm, khép phiên ở mức 11.887,45.
Các nhà đầu tư đã thu được một số lợi nhuận sau khi thị trường chứng khoán khởi đầu một năm “nóng bỏng”. S&P 500 tăng hơn 7%, trong khi Nasdaq Composite tăng đều trong 5 tuần qua, một kỷ lục chưa từng thấy kể từ tháng 11/2021.
Lợi suất trái phiếu kho bạc khởi sắc, với lợi suất kỳ hạn 10 năm chuẩn nhảy vọt gần 11 điểm cơ bản lên 3,64% và lợi suất 2 năm tiến thêm khoảng 18 điểm cơ bản lên 4,483%. Chỉ số Đô la Mỹ ICE đã tăng tới 0,76%, tiếp tục góp phần vào sự sụt giảm của chứng khoán.
Cổ phiếu của Apple giảm gần 2%, gây áp lực lên chỉ số Dow khi lo ngại về lãi suất cao hơn đè nặng lên một số cổ phiếu công nghệ. Các cổ phiếu bán lẻ như Target và Nike cũng kết thúc phiên với sắc đỏ, trong khi nhóm cổ phiếu phòng thủ như Merck và Coca-Cola tăng điểm.
George Cipolloni, Nhà quản lý danh mục đầu tư tại Penn Mutual Asset Management, cho biết: “Hầu hết những người tham gia thị trường chứng khoán đều khá run... trước mức tăng mạnh của lợi suất trong ngày thứ hai liên tiếp. Thật không thể tin được, nhưng biến động diễn ra trong 2 năm lại chỉ xảy ra trong hai ngày.”
Cũng trong ngày thứ Hai, cổ phiếu của Tyson Foods đã rớt 5% sau báo cáo thu nhập yếu hơn mong đợi. Tương tự, cổ phiếu của The Children's Place, một nhà bán lẻ quần áo trẻ em, đã mất gần 4% sau khi rút lại triển vọng trong quý IV.
Disney, Chipotle, DuPont và PepsiCo nằm trong số các “ông lớn” sẽ báo cáo kết quả kinh doanh vào cuối tuần này, các nhà đầu tư sẽ theo dõi bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc tăng lãi suất trước đó đã gây tổn hại đến tài chính của các công ty. Theo Refinitiv, khi mùa báo cáo doanh thu đã đi được nửa chặng đường, lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 đang trên đà giảm 2,7% trong quý IV.
Lo ngại tăng trưởng “kìm hãm” giá dầu
Khép phiên, dầu thô Brent kỳ hạn tăng 97 cent, tương đương 1,21%, lên 80,91 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ cộng 65 cent hay 0,89% lên 74,04 USD.
Trong khi nỗi lo suy thoái chi phối thị trường vào tuần trước, triển vọng phục hồi của Trung Quốc sau khi nới lỏng các biện pháp kiểm soát do COVID-19 vẫn là động lực thúc đẩy giá dầu.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến một nửa mức tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay đến từ Trung Quốc, đồng thời cho biết thêm rằng nhu cầu nhiên liệu máy bay cũng đang tăng lên.
Thứ Sáu tuần trước, WTI và Brent đã giảm 3% sau khi dữ liệu việc làm mạnh mẽ của Hoa Kỳ làm dấy lên lo ngại Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiếp tục tăng lãi suất, từ đó thúc đẩy đồng đô la.
Đồng bạc xanh mạnh hơn thường làm giảm nhu cầu đối với dầu được định giá bằng đô la Mỹ từ những người mua thanh toán bằng các loại tiền tệ khác.
Các chuyên gia cho biết, lãi suất cao hơn đang cản trở đà tăng giá vì chúng có khả năng kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng nhu cầu nhiên liệu.
Công ty chiến lược đầu tư BCA Research nhận định: “Một thị trường lao động bền vững có thể củng cố sự sẵn sàng và khả năng tiếp tục tiêu dùng của các hộ gia đình và do đó hỗ trợ đà phục hồi của công ty và cổ phiếu trong thời gian tới. Tuy nhiên... tổng cầu tăng trở lại có thể dẫn đến làn sóng lạm phát thứ hai.”
Song song đó, những lo ngại về nguồn cung tiếp tục đè nặng lên các thị trường, khi hoạt động tại kho cảng dầu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Ceyhan tạm dừng sau một trận động đất lớn xảy ra gần đó vào đầu ngày thứ Hai.
Mặt khác, giới hạn giá đối với các sản phẩm của Nga có hiệu lực vào Chủ nhật, với việc Nhóm G7, Liên minh Châu Âu và Úc đồng ý về giới hạn giá 100 USD/thùng đối với dầu diesel và các sản phẩm khác giao dịch cao hơn dầu thô và 45 USD/thùng cho các sản phẩm giao dịch giảm giá như dầu nhiên liệu.