Tuy nhiên, giá dầu đã tăng gần 30% trong quý vừa qua khi việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ làm giảm nguồn cung dầu thô toàn cầu.
S&P 500 và Nasdaq kết thúc tháng tồi tệ nhất năm 2023
Kết phiên, chỉ số Dow Jones trượt 158.84 điểm, tương đương 0.47%, còn 33,507.50 điểm, dẫn đầu bởi đà giảm của cổ phiếu Travelers Companies. Chỉ số S&P 500 hạ 0.27% xuống 4,288.05 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.14% lên 13,219.32 điểm.
Dow Jones và S&P 500 tăng điểm vào đầu phiên, khi các nhà đầu tư vui mừng trước dữ liệu cho thấy lạm phát có thể đang suy giảm. Tại mức đỉnh trong phiên, Dow Jones đã bật tăng 227 điểm, tương đương 0.7%. Trong khi S&P 500 nhích 0.8% và Nasdaq Composite thêm 1.4% tại mức cao nhất trong phiên.
Dữ liệu mới nhất về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, được công bố vào sáng thứ Sáu. PCE lõi, không bao gồm giá năng lượng và thực phẩm biến động, tiến 0.1% trong tháng 8 và tăng 3.9% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với dự báo tăng 0.2% trên cơ sở tháng và phù hợp với dự báo tăng 3.9% so cùng kỳ năm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones.
Tuy nhiên, lo ngại của nhà đầu tư về khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa đã gây áp lực lên thị trường vào cuối phiên. Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hoà tại Hạ viện đã không thể thông qua một dự luật chi tiêu ngắn hạn vào thứ Sáu, làm tăng lo ngại rằng các nhà lập pháp liên bang sẽ không đạt được thoả thuận đúng hạn.
Chứng khoán Mỹ chứng kiến đà giảm mạnh trong tháng và quý vừa qua, cả 2 đều kết thúc vào thứ Sáu.
Cụ thể, S&P 500 rớt 4.9% trong tháng 9 và giảm 3.7% trong quý 3. Nasdaq Composite bốc hơi 5.8% trong tháng này và sụt 4.1% trong quý. Cả 2 chỉ số đều ghi nhận tháng giảm mạnh nhất trong năm nay. Dow Jones mất 3.5% trong tháng 9 và giảm 2.6% trong quý này.
Dow Jones và S&P 500 lần lượt giảm 1.3% và 0.7% trong tuần, trong khi Nasdaq Composite tăng 0.06%.
Dầu giảm nhưng kết thúc quý tăng do nguồn cung toàn cầu thắt chặt
Khép phiên, giá dầu Brent rớt 7 xu xuống 95.31 USD/thùng, nhưng vẫn tăng 2.2% trong tuần qua và leo dốc 27% trong quý 3.
Giá dầu WTI mất 92 xu còn 90.97 USD/thùng, tăng 1% trong tuần và vọt 29% trong quý qua.
Với giá các hợp đồng dầu tương lai tiến gần mốc 100 USD/thùng, nhiều nhà đầu tư đã chốt lời từ đợt phục hồi do những lo ngại về kinh tế vĩ mô đang diễn ra.
Theo một cuộc khảo sát của Fed khu vực Dallas, hoạt động dầu khí ở 3 bang sản xuất năng lượng của Mỹ đã tăng lên sau đợt tăng giá mới nhất.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tháng 7, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2019.
Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, Lael Brainard, cho biết các nhà đầu tư đang dự báo về khả năng Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần vào ngày Chủ nhật, một “rủi ro không cần thiết” đối với nền kinh tế ổn định của Mỹ.
Lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc cũng gia tăng khi cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Evergrande Group bị đình chỉ hoạt động cho đến khi có thông báo mới sau một báo cáo rằng Chủ tịch tập đoàn này đã bị cảnh sát theo dõi.
Vào thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho thấy số giàn khoan dầu khí tại Mỹ, một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai, giảm 7 giàn xuống còn 623 giàn trong tuần kết thúc ngày 29/09/2023, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Trong khi tổng số giàn khoan tại Mỹ giảm 51 giàn trong quý 3, việc giảm số giàn khoan đã chậm lại so với mức giảm 81 giàn hồi quý 2, khi giá dầu phục hồi do nguồn cung khan hiếm.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters hôm thứ Sáu, giá dầu Brent được dự báo đạt trung bình 89.95 USD/thùng trong quý 4 và 86.45 USD/thùng trong năm 2024.
Việc cắt giảm sản lượng do Ả-rập Xê-út và Nga công bố dự kiến sẽ chi phối giá dầu trong thời gian còn lại của năm.