Dow tăng gần 400 điểm
Kết phiên, chỉ số Dow Jones tăng 382,60 điểm, tương đương 1,20%, đóng cửa ở mức 32.244,58. Trong khi đó, S&P 500 cộng thêm 0,89%, lên 3.951,57. Nasdaq Composite thêm 0,39% và đạt 11.675,54.
Nhóm cổ phiếu các ngân hàng khu vực đã tăng vào thứ Hai, phục hồi sau đà giảm mạnh trong tuần qua. Phố Wall dự báo có thể cần nhiều hành động hơn để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng sau khi các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ can thiệp vào các khoản tiền gửi không được bảo hiểm của SVB và cung cấp nguồn vốn mới cho các ngân hàng gặp khó khăn.
Chứng chỉ quỹ SPDR Regional Banking ETF đã tăng hơn 1% sau khi “bốc hơi” 14% vào tuần trước. Cổ phiếu PacWest, First Citizens và Fifth Third Bancorp nằm trong số những cổ phiếu tăng giá mạnh. Chứng chỉ quỹ ETF có thời điểm đã tăng 5% trong phiên giao dịch, nhưng đà tăng của nó bị đảo ngược khi cổ phiếu của First Republic lao dốc 47%.
Sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính trong hai tuần qua làm tăng rủi ro cho quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vào thứ Tư. Tính đến thứ Hai, có khoảng 73% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, theo công cụ FedWatch của CME Group. Khoảng 27% còn lại dự báo không tăng giá. Điều này cho thấy rằng Chủ tịch Jerome Powell có thể bắt đầu nới lỏng chiến dịch thắt chặt mạnh mẽ của mình bắt đầu hồi tháng 3/2022, trước sự lây lan khủng hoảng tài chính mới nổi.
Dầu tăng giá trở lại sau khi rớt xuống mức đáy
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent tăng 73 cent, tương đương 1%%, lên 73,70 USD/thùng, sau khi trượt xuống mức 71,64 USD/thùng.
Hợp đồng WTI tiến 73 cent, tương đương 1,09%, lên 67,47 USD/thùng.
Giá dầu đã chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng phương Tây, nơi chứng kiến sự sụp đổ của ngân hàng tập trung vào khởi nghiệp công nghệ Silicon Valley Bank và việc UBS của Thụy Sĩ tiếp quản Credit Suisse trong vòng hai tuần qua. Hai nguồn tin trong OPEC+ đã chia sẻ với CNBC vào cuối tuần trước rằng sự bất ổn của ngành ngân hàng đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính khác như cuộc khủng hoảng năm 2008.
Các đại biểu của OPEC+ chỉ có thể bình luận với điều kiện giấu tên, vì họ không được phép thảo luận công khai về chủ đề này.
Một trong những nguồn tin lưu ý rằng đà giảm của giá dầu có thể chỉ là tạm thời và không được củng cố bởi các nguyên tắc cơ bản về cung-cầu xung quanh hàng hóa vật chất, nhưng nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi tác động tiềm ẩn đối với các quyết định lãi suất và lạm phát của ngân hàng trung ương. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đã thúc đẩy việc tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào ngày 16/3, trong khi Fed sẽ đưa ra quyết định về lãi suất của riêng mình trong tuần này.
Trong năm qua, OPEC+ đã ủng hộ sự ổn định giá dầu trong để khuyến khích đầu tư dài hạn vào công suất dự phòng và tránh tình trạng thiếu nguồn cung.
Trong một lưu ý ngày 15/3, các nhà phân tích của UBS chỉ ra rằng sự hỗn loạn rộng lớn hơn của thị trường tài chính không có khả năng ảnh hưởng đến tốc độ sản xuất dầu thô, nhưng chỉ ra rằng “trong thời kỳ biến động gia tăng, các nhà đầu tư có xu hướng rút khỏi các tài sản rủi ro như dầu mỏ và đầu tư vào các kênh an toàn hơn của thị trường.”
Vẫn tồn tại những nghi vấn về khả năng thúc đẩy nhu cầu từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc - nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sau thời gian phong tỏa hồi năm ngoái để kiểm soát Covid-19.
Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã cho biết trong Báo cáo Thị trường Dầu hàng tháng công bố vào tháng 3/2023 rằng họ dự kiến tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới sẽ “tăng tốc mạnh mẽ trong suốt năm 2023,” chứng kiến “giao thông hàng không phục hồi và giải phóng lượng dầu bị dồn nén” của Trung Quốc.”