Phố Wall nhuộm xanh 3 tuần liền; Dầu phục hồi sau phiên bán tháo mạnh

(ĐTTCO) - S&P 500 tăng điểm vào thứ Sáu (17/11), khép lại tuần tăng điểm thứ 3 liên tiếp giữa đà phục hồi mạnh trên thị trường chứng khoán Mỹ. Dầu tăng giá một ngày sau khi lao dốc 5% xuống mức đáy trong 4 tháng.
Phố Wall nhuộm xanh 3 tuần liền; Dầu phục hồi sau phiên bán tháo mạnh

Chứng khoán Mỹ khởi sắc

Kết phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0.13% lên 4,514.02 điểm. Dow Jones nhích nhẹ 0.01%, tương đương 1.81 điểm và đóng cửa tại 34,947.28 điểm. Nasdaq Composite cộng 0.08% lên 14,125.48 điểm.

Cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều ghi nhận tuần khởi sắc thứ 3 liên tiếp. S&P 500 thêm 2.2%, trong khi Nasdaq tăng vọt 2.4%. Dow Jones cũng kết thúc tuần với mức tăng 1.9%.

Đây là chuỗi tăng điểm liên tiếp kéo dài 3 tuần đầu tiên của cả Dow Jones và S&P 500 kể từ tháng 7 và cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 6 của Nasdaq Composite.

Động lực thúc đẩy đà tăng này chính là dữ liệu lạm phát hạ nhiệt tại Mỹ đã mang đến cho nhà đầu tư niềm hy vọng rằng lập trường cứng rắn về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chỉ là chuyện quá khứ.

Trong tháng 11 này, thị trường tăng điểm khá mạnh với S&P 500 tăng 7.6%, trong khi Dow Jones cộng 5.7% còn Nasdaq Composite nhảy vọt 9.9%.

Cổ phiếu Gap bức phá 30% một ngày sau khi công ty công bố kết quả quý 3 tốt hơn kỳ vọng

Trong khi đó, cổ phiếu của nhà điều hành mạng lưới sạc xe điện lớn nhất nước Mỹ, ChargePoint, lao dốc 35% sau khi công bố cải tổ C-Suite vào cuối ngày thứ Năm và cắt giảm dự báo doanh thu quý 3.

Dầu phục hồi 3% sau phiên bán tháo mạnh do nguồn cung và lo ngại về nhu cầu

Khép phiên, hợp đồng dầu thô tương lai WTI giao tháng 12 tại Mỹ tiến 2.21 USD/thùng, tương đương 3.03%, lên 75.11 USD/thùng. Trong khi hợp đồng dầu thô tương lai Brent giao tháng 1 cộng 3.2%, tương đương 2.49, lên 79.91 USD/thùng.

Cả hai hợp đồng này đều đã mất khoảng 1/6 giá trị của mình trong 4 tuần lao dốc vừa qua và hiện ghi nhận tuần giảm giá thứ tư liên tiếp.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một ghi chú: “Giá dầu giảm nhẹ trong năm nay mặc dù nhu cầu vượt quá kỳ vọng lạc quan của chúng tôi. Nguồn cung ngoài OPEC đã tăng mạnh hơn nhiều so với dự kiến, và phần nào được bù đắp bởi động thái cắt giảm sản lượng của OPEC.”

Đà sụt giảm của giá dầu trong tuần này chủ yếu là do tồn kho dầu thô của Mỹ tăng mạnh và sản lượng duy trì ở mức kỷ lục, trong khi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu ngày càng giảm sút ở Trung Quốc cũng gây lo ngại.

Tuy nhiên, đà lao dốc trong ngày thứ Năm đã khiến một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu việc bán tháo có quá mức hay không, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu.

Một yếu tố khác góp phần tạo ra tâm lý tiêu cực trong ngày thứ Năm là số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tại Mỹ ngày càng tăng và số liệu sản xuất công nghiệp giảm nhẹ.

Với việc giá dầu Brent xuống dưới 80 USD/thùng, nhiều nhà phân tích hiện kỳ vọng OPEC+, chủ yếu là Ả Rập Saudi và Nga, sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện đến năm 2024.

Các tin khác