Dow Jones tăng 160 điểm
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tiến 0.16% lên 4,502.88 điểm. Nasdaq Composite nhích 0.07% lên 14,103.84 điểm. Chỉ số Dow Jones cộng 163.51 điểm, tương đương 0.47%, đạt 34,991.21 điểm.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ kỳ hạn 10 năm tăng thêm 9 điểm cơ bản lên 4.537%. Động thái này diễn ra một ngày sau khi lợi suất rớt xuống dưới ngưỡng 4.5%.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 10 giảm 0.5% so với tháng trước, đánh dấu mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 4/2020. Đồng thời, doanh số bán lẻ cũng giảm.
Jay Hatfield, nhà sáng lập kiêm CEO tại Infrastructure Capital Advisors, chia sẻ: “Rõ ràng, lãi suất là yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán và diễn biến ngày hôm nay cũng hợp lý vì PPI giảm mạnh như chúng tôi nghĩ.”
Trong phiên trước, Phố Wall vừa ghi nhận mức tăng mạnh, trong đó S&P 500 và Nasdaq có phiên leo dốc mạnh nhất kể từ tháng 4/2023. Đà tăng được tựa lưng trên tâm lý phấn khích vì sự hạ nhiệt của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2023.
Về phía doanh nghiệp, cổ phiếu của Target tăng vọt gần 18% nhờ kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi trong quý thứ ba. Cổ phiếu của công ty may mặc V.F. Corp cũng cộng thêm 14% sau khi JPMorgan nâng cấp từ thiếu tỷ trọng lên trung lập.
Phố Wall cũng xem xét khi các nhà lập pháp tìm cách tránh việc chính phủ đóng cửa. Cuối ngày thứ Ba, Hạ viện đã thông qua một dự luật. Dự luật này sẽ được đưa tới Thượng viện để bỏ phiếu. Nếu được các nhà lập pháp thông qua, luật sẽ được chuyển cho Tổng thống Joe Biden.
Giá dầu giảm gần 2%
Kết phiê, hợp đồng dầu Brent tương lai lùi 1.29 USD, tương đương 1.6%, xuống 81.18 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI tương lai sụt 1.6 USD, tương đương 2%, xuống 76.66 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng thêm 3.6 triệu thùng trong tuần trước, lên mức 421.9 triệu thùng, vượt xa dự báo tăng 1.8 triệu thùng của các chuyên viên phân tích.
Ngoài ra, sản lượng dầu thô tại Mỹ cũng duy trì ở mức kỷ lục 13.2 triệu thùng/ngày.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC ở New York, chia sẻ: “Nguồn cung dầu thô từ Mỹ đang là cơn gió ngược với thị trường và Mỹ đang là vấn đề của OPEC+.” Ông không nghĩ Ả-rập Saudi có thể giảm thêm sản lượng để thúc đẩy giá dầu.
Các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả-rập Saudi và Nga, một phần của liên minh OPEC+, cho biết sẽ tiếp tục các đợt cắt giảm nguồn cung tự nguyện cho tới cuối năm nay.
Dự trữ xăng của Mỹ cũng cho thấy nhu cầu mạnh mẽ với mức giảm bất ngờ 1,5 triệu thùng trong tuần trước. Tồn kho dầu diesel giảm nhiều hơn dự kiến ở mức 1,4 triệu thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế hôm thứ Ba đã cùng với OPEC nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm nay, bất chấp dự báo tăng trưởng kinh tế chậm hơn ở nhiều nước lớn.
Sản lượng lọc dầu của Trung Quốc giảm trong tháng 10 so với mức cao của tháng trước do nhu cầu nhiên liệu công nghiệp suy yếu và biên lợi nhuận lọc dầu thu hẹp. Tuy nhiên, hoạt động kinh tế của nước này vẫn khởi sắc trong tháng 10 khi sản lượng công nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn và tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng.
Nền kinh tế Nhật Bản suy thoái trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, đánh dấu hai quý tăng trưởng liên tiếp nhờ tiêu dùng và xuất khẩu yếu.
Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 10 giảm lần đầu tiên sau 7 tháng.
Các nhà ngoại giao Liên minh châu Âu cho biết các tàu chở dầu của Nga không nằm trong mục tiêu trong đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc thắt chặt thực hiện giới hạn giá đối với dầu thô của nước này.
Trước đó, tờ Financial Times đưa tin rằng Đan Mạch sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra và có khả năng ngăn chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển của nước này theo kế hoạch mới của EU như một cách để thực thi mức trần giá 60 USD/thùng đối với dầu thô của Moscow.