Chứng khoán Mỹ có phiên tăng đầu tiên trong năm 2023
Khép phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 133 điểm, tương đương 0.40%, đóng cửa ở mức 33,269.77 điểm. Chỉ số S&P 500 cộng 0.75% lên 3,825.97 điểm và chỉ số Nasdaq Composite thêm 0.69%, đóng cửa đạt 10,458.76 điểm. Lợi suất trái phiếu giảm, ngay cả khi Fed nhắc lại rằng lãi suất sẽ tăng cao hơn trong năm nay.
Cả 3 chỉ số đều ghi nhận phiên tăng đầu tiên trong năm 2023, đứt mạch 2 phiên giảm liên tiếp, sau khi phục hồi từ vùng tiêu cực vào buổi chiều.
Chứng khoán Mỹ đã mở đầu phiên ngày thứ Tư trong sắc xanh sau khởi đầu năm khó khăn trong ngày thứ Ba (03/01), nhưng đã giảm nhẹ trong buổi sáng sau 2 dữ liệu kinh tế quan trọng.
Báo cáo Khảo sát cơ hội việc làm và Luân chuyển lao động (JOLTS) tháng 11 của Mỹ đạt kết quả tốt hơn một chút so với dự báo, báo hiệu sức mạnh thị trường lao động tiếp tục tăng trong bối cảnh ngân hàng trung ương nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Mặt khác, chỉ số sản xuất ISM suy giảm sau 30 tháng tăng, báo hiệu rằng việc nâng lãi suất có thể đang làm trì trệ nền kinh tế.
Chứng khoán Mỹ đã khởi sắc khi nhà đầu tư tiếp nhận các báo cáo nhưng xoá sạch đà tăng khi biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed cho thấy tâm lý “diều hâu” từ ngân hàng trung ương ngay cả khi họ quyết định nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, thấp hơn so với dự báo trước đó. Báo cáo cũng cho thấy Fed có ý định giữ lãi suất cao hơn cho đến khi có đủ dữ liệu chứng minh lạm phát hạ nhiệt.
Dầu giảm hơn 5% trước nỗi lo kinh tế toàn cầu
Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng dầu Brent sụt 4.26 USD, tương đương 5.2%, xuống 77.84 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI rớt 4.09 USD, tương đương 5.3%, còn 72.84 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Refinitiv Eikon, dầu Brent đã giảm khoảng 9.4%, mức giảm trong 2 phiên đầu năm mạnh nhất kể từ tháng 01/1991.
Bob Yawger, Giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho cho biết: “Giá dầu thô giảm do lo ngại về số ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng gây ra suy thoái toàn cầu… cả 2 đều là những sự kiện ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu.”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy mặc dù không có biến thể Covid-19 mới nào được tìm thấy ở đây, nhưng quốc gia này đã đại diện cho số người chết trong đợt bùng phát lây lan nhanh chóng gần đây.
Tình hình nền kinh tế toàn cầu và việc nâng lãi suất của ngân hàng trung ương cũng ảnh hưởng đến giá dầu thô.
Viện Quản lý Cung ứng Mỹ (ISM) cho biết hoạt động sản xuất tại Mỹ đã tiếp tục suy giảm trong tháng 12, giảm tháng thứ 2 liên tiếp từ 49.0 trong tháng 11 xuống 48.4 trong tháng 12, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2020.
Đồng thời, một cuộc khảo sát từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy cơ hội việc làm đã giảm 54,000 việc xuống còn 10.456 triệu việc làm vào ngày cuối cùng của tháng 11/2022, làm dấy lên lo ngại rằng Fed sẽ sử dụng thị trường lao động thắt chặt như một lý do để giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.
Chính phủ Trung Quốc đã nâng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế trong đợt đầu tiên của năm 2023, báo hiệu nhu cầu nhiên liệu nội địa kém.
Nhà xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu Ả Rập Saudi có thể giảm giá đối với loại dầu thô Arab Light sang châu Á vào tháng 02/2023, vốn đã ở mức thấp nhất trong 10 tháng trong tháng này, do lo ngại về tình trạng dư cung tiếp tục bao phủ thị trường.
Sản lượng dầu của OPEC tăng trong tháng 12/2022, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, bất chấp thảo thuận của liên minh OPEC+ cắt giảm sản lượng mục tiêu để hỗ trợ thị trường.
Cụ thể, OPEC đã bơm vào thị trường 29 triệu thùng/ngày trong tháng trước, tăng 120,000 thùng/ngày so với tháng 11/2022.