Giá dầu phục hồi khi thị trường cân nhắc các thông điệp mâu thuẫn về nguồn cung từ Nga và Ả Rập Xê Út trước cuộc họp chính sách tiếp theo của OPEC+.
Nasdaq ghi nhận tuần tăng thứ năm liên tiếp
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 328,69 điểm, tương đương 1%, lên 33.093,34. S&P 500 nhích 1,3%, đóng cửa ở mức 4.205,45 và Nasdaq Composite tiến 2,2% lên 12.975,69.
Cổ phiếu Intel và cổ phiếu American Express lần lượt bật thêm 5,8% và 4,1%, tạo đà cho chỉ số Dow tăng cao hơn. Lĩnh vực công nghệ và tiêu dùng không thiết yếu của S&P 500 cũng cộng thêm 2% mỗi lĩnh vực.
Từ đầu tuần đến nay, Nasdaq tăng 2,5%, đánh dấu tuần tăng thứ năm liên tiếp. S&P 500 cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, tiến 0,3%. Trong khi, chỉ số Dow tụt dốc trong tuần này, mất 1%.
Các nhà đàm phán của Quốc hội và chính quyền Biden đang tập trung vào một thỏa thuận sẽ tăng giới hạn nợ của Hoa Kỳ trong hai năm. Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết các cuộc đàm phán vào tối thứ Năm đã mang lại tiến triển, nhưng nói thêm: “Chúng ta phải đạt được nhiều tiến bộ hơn bây giờ.”
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo rằng Hoa Kỳ có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1/6 nếu trần nợ không được nâng lên. Các nhà kinh tế và nhà lãnh đạo Phố Wall cũng quan ngại về tác động tàn phá có thể xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ.
Ed Moya, nhà phân tích thị trường cao cấp tại Oanda cho biết: “Một khi thỏa thuận nợ được thực hiện, thị trường sẽ phải đối mặt với thực tế phũ phàng rằng Fed sẽ nhấn chìm nền kinh tế này. Việc thắt chặt có thể không kết thúc cho đến cuối mùa hè và điều đó có nghĩa là chúng ta có thể sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn vào năm tới.”
Dữ liệu mới công bố vào sáng thứ Sáu cho thấy lạm phát đã tăng hơn dự kiến trong tháng Tư. Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, đã tăng 0,4% trong tháng trước và 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Giá dầu tăng khi Mỹ chốt thỏa thuận nợ
Khép phiên, dầu thô Brent tăng 69 cent, tương đương 0,9%, lên 76,95 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tiến 84 cent, tương đương 1,2%, lên 72,67 USD/thùng. Trên cơ sở hàng tuần, cả 2 loại dầu đều có tuần tăng thứ hai với Brent tăng 1,7%, trong khi WTI tăng 1,6%.
Tuy nhiên, thị trường vẫn thận trọng do các cuộc đàm phán về nợ có thể kéo dài và có những lo ngại mới về việc Fed tăng lãi suất vào tháng tới sẽ hạn chế nhu cầu sau khi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ của Mỹ và chỉ số lạm phát được công bố.
Mặc dù có thể các nhà đàm phán sẽ đạt được thỏa thuận vào thứ Sáu để nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ đô la của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng các cuộc đàm phán có thể dễ dàng kéo dài sang cuối tuần, một quan chức chính quyền Biden cho biết.
Các hợp đồng dầu đã sụt hơn 2 USD/thùng vào thứ Năm sau khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak hạ thấp triển vọng cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+ tại cuộc họp ở Vienna vào ngày 4/6. Nga đang nghiêng về việc giữ nguyên khối lượng sản xuất dầu vì Moscow bằng lòng với giá cả và sản lượng hiện tại, ba nguồn tin chia sẻ với Reuters.
Trái ngược hoàn toàn với những gợi ý trước đó về khả năng cắt giảm sản lượng từ Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, lãnh đạo trên thực tế của OPEC, người đã cảnh báo những người bán khống “hãy coi chừng”.
Trong khi đó, nhu cầu xăng của Hoa Kỳ dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh khi kỳ nghỉ cuối tuần Ngày Tưởng niệm 27 - 29/5 sẽ là dịp bận rộn thứ ba đối với khách du lịch bằng ô tô kể từ năm 2000.
Về phía nguồn cung, số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm 5 giàn trong tuần này xuống còn 570 giàn, theo báo cáo từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co. Trong tháng 5, số giàn khoan dầu đã giảm 21 giàn, đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2020.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát dai dẳng ở châu Âu đã hạn chế đà tăng của giá dầu, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu cần ít nhất hai lần tăng lãi suất 25 điểm cơ bản nữa.