Dow Jones tăng lên cao nhất trong năm 2023
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 76.32 điểm, tương đương 0.22%, lên 34,585.35 điểm – mức đóng cửa cao nhất từ đầu năm 2023 đến nay. Chỉ số S&P 500 nhích 0.39% lên 4,522.79 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite thêm 0.93% lên 14,244.95 điểm.
Cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Apple tiến 1.7%, còn cổ phiếu Tesla tăng 3.2%. Cổ phiếu JPMorgan Chase cũng tăng vọt 2.4%.
Mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 bắt đầu sôi động trong tuần này với báo cáo từ các tổ chức tài chính lớn như Bank of America, Morgan Stanley và Goldman Sachs. Kết quả kinh doanh từ các công ty United Airlines, Las Vegas Sands, Tesla và Netflix cũng sẽ công bố trong tuần này.
Phố Wall dự báo một mùa báo cáo kết quả kinh doanh ảm đạm với lợi nhuận giảm. Các chuyên gia phân tích ước tính lợi nhuận của S&P 500 sẽ sụt hơn 7% so với cùng kỳ năm trước, theo FactSet.
Tuần này cũng mở ra “thời gian nghỉ chờ” của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước cuộc họp chính sách tháng 7 diễn ra. Theo công cụ FedWatch của CME Group, nhà đầu tư hiện dự đoán khả năng khoảng 97% ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất vào cuối tháng này, sau khi tạm dừng nâng lãi suất vào tháng 6.
Chứng khoán Mỹ đã trải qua một tuần thắng lợi, chứng kiến Dow Jones tăng 2.3%, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 3. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng lần lượt tăng 2.4% và 3.3%.
Thị trường khởi sắc sau kết quả kinh doanh tích cực từ các ngân hàng lớn và báo cáo lạm phát hạ nhiệt đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư. Điều đó làm tăng thêm một số hy vọng rằng Fed có thể làm giảm lạm phát mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Dầu rớt hơn 1.5%
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt 6.3% trong quý 2, thấp hơn so với dự báo tăng 7.3% từ các chuyên gia phân tích khi khả năng phục hồi sau đại dịch của nước này bị chững lại.
Khép phiên, dầu Brent mất 1.37 USD, tương đương 1.7%, xuống 78.50 USD/thùng. Trong khi đó, dầu WTI hạ 1.27 USD, tương đương 1.7%, còn 74.15 USD/thùng. Cả 2 loại dầu chuẩn đều giảm phiên thứ 2 liên tiếp.
Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch tại BOK Financial, cho biết hoạt động mua của các quỹ phòng hộ đã chậm lại do có ý kiến cho rằng nhu cầu có thể đã bị phóng đại sau những số liệu kinh tế yếu kém từ Trung Quốc.
Dầu tích tắc khởi sắc sau khi Reuters đưa tin Ả-rập Xê-út gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện. Thông tin này sau đó đã được rút lại vì lặp lại tin tức đã công bố vào ngày 04/6/2023.
Giá dầu cũng chịu áp lực vào thứ Hai từ việc nối lại sản xuất tại 2/3 mỏ dầu đã bị đóng cửa của Libya. Sản xuất dầu đã bị đình trệ do một cuộc biểu tình.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu của Nga từ các cảng phía tây dự kiến sẽ giảm 100,000 – 200,000 thùng/ngày trong tháng tới, một dấu hiệu cho thấy Moscow đang thức hiện tốt cam kết cắt giảm nguồn cung song song với Ả-rập Xê-út.
Sản lượng dầu đá phiến của Mỹ cũng có thể giảm xuống gần 9.40 triệu thùng/ngày trong tháng 8, đây sẽ là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 12/2022, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy.