Phố Wall tiếp đà khởi sắc; Dầu giảm do lo ngại về nguồn cung toàn cầu giảm bớt

(ĐTTCO) - Giá dầu giảm do thị trường bớt lo lắng hơn về khả năng gián đoạn nguồn cung do xung đột ở Trung Đông và dữ liệu cho thấy sản lượng tăng từ OPEC và Mỹ.
Phố Wall tiếp đà khởi sắc; Dầu giảm do lo ngại về nguồn cung toàn cầu giảm bớt

S&P 500 đánh dấu chuỗi 3 tháng giảm đầu tiên kể từ năm 2020

Khép phiên, chỉ số S&P 500 tiến 0,65% lên 4.193,80, trong khi Nasdaq Composite đã thêm 0,48% đạt 12.851,24. Chỉ số Dow Jones cộng 123,91 điểm, tương đương 0,38%, lên 33.052,87.

Nhóm ngành bất động sản và tài chính hoạt động tích cực trong S&P 500, với các lĩnh vực tăng lần lượt 2% và 1,1%. Tuy nhiên, đáng chú ý là một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn lại tụt dốc. Điển hình như cổ phiếu của Alphabet và Meta Platforms. Nvidia cũng sụt gần 1%.

Chỉ số biến động Cboe (VIX) giảm xuống mức 18, dưới mức trung bình dài hạn khoảng 20. Mức VIX cao hơn có thể cho thấy sự không chắc chắn nhiều hơn trên thị trường.

Mùa báo cáo kinh doanh tiếp tục vào thứ Ba. Caterpillar trượt hơn 6% sau khi nhà sản xuất thiết bị xây dựng cho biết doanh thu quý 4 của họ sẽ chỉ cao hơn “một chút” so với cùng kỳ năm trước. Cổ phiếu JetBlue giảm hơn 10% sau khi kết quả quý 3 của hãng hàng không này không đạt kỳ vọng về kết quả kinh doanh.

Chứng khoán Mỹ ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp. Chỉ số Dow và S&P 500 lần lượt mất 1,4% và 2,2%. Đánh dấu chuỗi giảm giá kéo dài 3 tháng đầu tiên đối với cả hai chỉ số kể từ tháng 3/2020. Chỉ số Nasdaq đã rớt 2,8% trong tháng 10, đồng thời ghi nhận tháng âm thứ ba liên tiếp.

Khoản lỗ của tháng 10 xảy ra trong bối cảnh lãi suất trái phiếu Kho bạc tăng nhanh. Trong tháng này, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mức quan trọng 5% kể từ năm 2007. Những người tham gia thị trường cho rằng sự gia tăng này là do một số yếu tố, bao gồm lo ngại Fed sẽ giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Fed dự kiến sẽ công bố quyết định tiếp theo về lãi suất vào thứ Tư. Theo CME FedWatch Tool, việc định giá hợp đồng tương lai của quỹ Fed cho thấy xác suất hơn 99% rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức hiện tại.

Nguồn cung toàn cầu có thể khan hiếm

Kết thúc phiên giao dịch, dầu thô Brent giảm 1,33 USD, tương đương 1,4% xuống 85,02 USD/thùng. Dầu thô WTI của Hoa Kỳ hạ 1,18 USD xuống 80,50 USD/thùng.

Trong phiên, giao dịch diễn ra không ổn định với giá tăng cao hơn tới 1 USD, nhưng giá vẫn ở mức dưới 90 USD/thùng.

Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group, cho biết: “Chúng tôi đã loại bỏ một phần phí bảo hiểm chiến tranh ra khỏi giá.”

Theo khảo sát của Reuters, sản lượng dầu thô của OPEC đã tăng 180.000 thùng/ngày trong tháng 10, chủ yếu đến từ Nigeria và Angola.

Cơ quan Thông tin Năng lượng cho biết sản lượng dầu thô tại mỏ của Mỹ cũng tăng lên mức kỷ lục mới hàng tháng trong tháng 8 ở mức 13,05 triệu thùng/ngày.

Ngoài ra, dữ liệu hoạt động sản xuất và phi sản xuất yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu nhiên liệu chậm lại từ quốc gia tiêu thụ dầu số 2 thế giới.

Bên cạnh đó, theo ước tính sơ bộ của Eurostat, lạm phát khu vực đồng Euro trong tháng 10 ở mức thấp nhất trong hai năm, giảm xuống 2,9% từ mức 4,3% trong tháng 9. Điều đó có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) khó có thể sớm tăng lãi suất.

Các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với khả năng các quốc gia khác tham gia vào cuộc xung đột. Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index cho biết: “Trong khi các diễn biến ở Trung Đông vẫn chưa ảnh hưởng đến dầu mỏ, khi cuộc xâm lược trên bộ ngày càng gia tăng, thì nguy cơ liên quan từ Iran tăng lên, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung thắt chặt.”

Theo đó, một cuộc thăm dò của Reuters hôm thứ Ba cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm sẽ giữ giá dầu thô ở mức dưới 90 USD/thùng trong năm nay và năm tới, trừ khi xung đột Israel-Hamas thu hút thêm nhiều quốc gia ở Trung Đông và làm trầm trọng thêm tình trạng thắt chặt nguồn cung.

Các tin khác