Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, "trong phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như phòng chống dịch Covid-19 thì cách ly là cực kỳ quan trọng, giúp không lan rộng dịch ở Việt Nam".
Họp báo Chính phủ tối 3-3
Ngày 3-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2020, thảo luận về các giải pháp cấp bách thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh vẫn phải chống dịch Covid-19. Tối cùng ngày, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chủ trì buổi họp báo Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cung cấp thông tin tới báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: VGP
"Bài học cách ly ở Sơn Lôi" giúp không phát sinh ca bệnh mới
Ông Mai Tiến Dũng đã dẫn tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói kết quả phòng chống dịch Covid-19 là rất tích cực, nhưng đó là kết quả bước đầu, không được chủ quan, nhất là trong tình hình dịch đang lan rất nhanh, rất rộng như hiện nay.
Dịch đang xuất hiện ở hầu hết các thị trường truyền thống của Việt Nam, do đó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Dịch cũng đang gây tác động toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, từ điện tử, may mặc, giày da, cơ khí... và làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch; các khách sạn giảm 60% lượng khách lưu trú. Du lịch thiệt hại ước tính 7 tỷ USD vì ảnh hưởng của Covid-19...
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về giải pháp ứng phó nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết công tác phòng, chống dịch bệnh đã có thành công bước đầu và đã có nhiều bài học. Hiện, dịch bệnh đã lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đều có các kịch bản.
Khi dịch lan ra ở Hàn Quốc, ta áp dụng biện pháp phù hợp như yêu cầu tất cả hành khách vào Việt Nam phải khai báo y tế để giám sát. Sau đó ta làm việc với Hàn Quốc về việc miễn thị thực; tiến hành cách ly tất cả hành khách đi qua/ đến từ vùng dịch; chỉ định 3 sân bay đón khách về từ vùng dịch như sân bay Vân Đồn, Phù Cát, Cần Thơ; dừng đón khách Hàn Quốc ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trước đây có khoảng 70 chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam nhưng nay còn rất ít.
“Trong phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng như phòng chống dịch Covid-19 thì cách ly là cực kỳ quan trọng, giúp không lan rộng dịch ở Việt Nam. Bài học cách ly ở Sơn Lôi - Vĩnh Phúc giúp không phát sinh ca bệnh mới”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Về khả năng cách ly, hệ thống quân đội có trên 60 điểm với khoảng hơn 30.000 chỗ cách ly. Hiện chúng ta điều phối cách ly ở các địa phương và đã có hơn 10.000 người được cách ly, vẫn có thể cách ly được thêm lượng người nữa. Tuy nhiên, Bộ Y tế đã tính tới phương án giảm lượng cách ly ở khu vực này bằng hình thức phải giám sát về y tế, phiếu hỏi để chứng minh được rằng người được hỏi không đi qua vùng dịch. Cùng với đó, làm việc với gia đình, với chính quyền địa phương, với những đối tượng không đi qua vùng dịch phải tiếp tục thực hiện cách ly tại nhà để giảm cách ly tập trung, tránh tình trạng quá tải.
“Hiện nay vẫn đảm bảo cách ly trong những khu vực cách ly tập trung. Nếu như ở một quốc gia nào có tình trạng phát dịch tăng nhanh, chúng tôi lập tức sẽ tiến hành những biện pháp cần thiết để ngăn chặn dịch lan tại Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Có công cụ, quy định quản lý thuế đối với kinh doanh online, vlogger, YouTuber...
Báo chí cũng đặt vấn đề về Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ mức 9 triệu đồng lên mức 11 triệu đồng/tháng, tương ứng cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng, mức này bị cho là "lạc hậu", "vô cảm", "không bồi dưỡng nguồn thu". Bộ Tài chính có tính đến việc thu thuế thu nhập từ những người kinh doanh online, các vlogger, YouTuber...?
Trả lời vấn đề này, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang lấy ý kiến về việc điều chỉnh này. Đề xuất của Bộ Tài chính dựa trên tinh thần Luật Thuế thu nhập cá nhân, theo đó trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Theo quy định, Bộ Tài chính đề xuất căn cứ CPI, phù hợp với biến động của giá cả để áp cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Với các đối tượng ca sĩ, các cá nhân kinh doanh qua mạng, việc quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với đầy đủ công cụ, quy định rõ trách nhiệm các bộ, ngành để quản lý thuế các đối tượng này. Từ trước đến nay, các cơ quan thuế cũng giám sát việc kê khai thuế của các đối tượng này. Tới đây, vừa phải tăng cường tuyên truyền để các đối tượng này thực hiện đúng, vừa phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử nghiêm nếu thực hiện không đúng.
Sau khi hết thí điểm, các loại hình Grab, Be... sẽ thế nào?
Từ ngày 1-4 sẽ dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020 của Chính phủ (Nghị định 10) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Vậy sau khi hết thí điểm thì các loại hình Grab, Be... sẽ thế nào?
Thứ trưởng Bộ Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GT-VT đã có đánh giá kết quả thí điểm và báo cáo Chính phủ. Nghị định 10 đã quy định rất rõ, xe nào tuân thủ quy định thì vẫn hoạt động, không phân biệt. Ví dụ xe taxi công nghệ kết thúc chuyến đi thì doanh nghiệp phải gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế; xe taxi phải sử dụng phù hiệu... Hay taxi truyền thống và taxi công nghệ đều phải có nhận diện nhưng được quyền lựa chọn lắp hộp đèn cố định hoặc dán logo phản quang bên trong xe. Bộ GT-VT khẳng định, Nghị định 10 đã quy định rất rõ, xe nào tuân thủ quy định thì vẫn hoạt động, không phân biệt.
Đã khởi tố 17 bị can trong vụ Tuấn "khỉ"
Về vụ án Tuấn “khỉ”, Thiếu tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an) cho biết ngay sau khi Lê Quốc Tuấn (Tuấn "khỉ") gây án, Bộ Công an và Công an TPHCM xác định Tuấn là tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì đối tượng này có súng AK và còn số đạn khá lớn. Ngoài ra còn có thể có các loại vũ khí khác. Hơn nữa, Tuấn rất thông thạo địa bàn, mối quan hệ rộng và đặc biệt liều lĩnh, có kiến thức đối phó với lực lượng công an. Từ những nhận định đó, Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt quyết tâm truy bắt.
"Trước khi gây án, Tuấn là cán bộ công an nhưng do thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không chấp hành ý thức kỷ luật, Tuấn sa vào cờ bạc dẫn đến vụ việc. Sau vụ việc này, Bộ Công an chỉ đạo Công an TPHCM yêu cầu lãnh đạo Công an quận 11 kiểm điểm quản lý cán bộ chiến sĩ và quản lý vũ khí, yêu cầu lãnh đạo Công an Củ Chi kiểm điểm việc quản lý địa bàn, để xảy ra ổ cờ bạc hoạt động trên địa bàn", ông Tô Ân Xô nói.
Liên quan các đối tượng trong vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM khởi tố 17 bị can với các tội danh "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"; "Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có"; "Che giấu tội phạm"; "Không tố giác tội phạm"... Các bị can này đã giúp sức cho Tuấn "khỉ" khi lẩn trốn. Do chuyên án đang trong quá trình điều tra nên Bộ Công an chưa công bố danh sách này.
Vừa qua xảy ra việc một doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn 144.000 tỷ đồng, tương đương 6,3 tỷ USD. Rà soát lại quy định thì thấy một cá nhân nào cũng có thể khai báo mức vốn điều lệ bất kỳ, sau đó nếu không góp đủ chỉ bị phạt vài chục triệu đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là kẽ hở của hệ thống đăng ký doanh nghiệp. Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết, hồ sơ của doanh nghiệp đầy đủ nên phải cấp phép, nhưng số vốn đó là bất thường, cơ quan tiếp nhận đã yêu cầu trong vòng 90 ngày doanh nghiệp phải nộp đủ số vốn đã đăng ký trong tài khoản. Hiện cơ quan tiếp nhận đang chờ doanh nghiệp hoặc nộp đủ vốn, hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh. Qua đó cũng cho thấy công tác hậu kiểm cần phải được tăng cường hơn nữa để bảo đảm việc đăng ký kinh doanh phải đúng pháp luật. |
Về vụ việc TP Hải Phòng dự kiến chi 269 tỷ mua ấm chén và cờ tặng người dân nhân dịp kỷ niệm thành lập thành phố, ông Mai Tiến Dũng cho rằng, thẩm quyền chi ngân sách là thuộc UBND TP Hải Phòng. Trong bối cảnh hiện nay, phải rà từng khoản khi ngân sách để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm. Nếu mới là đề án, chưa chi thì TP Hải Phòng nên rà soát lại các khoản khi, lắng nghe ý kiến dư luận để có quyết định chi hợp lý nhất. |