Phòng ngừa “rửa tiền” thông qua tiền ảo

(ĐTTCO) - Thảo luận dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền - PCRT (sửa đổi) tuần qua được các đại biểu (ĐB) Quốc hội cho rằng việc sửa đổi là cần thiết. Tuy nhiên, do tính chất của hoạt động rửa tiền rất đặc thù, nên việc xây dựng các quy định phòng ngừa rất quan trọng, đặc biệt liên quan đến tiền ảo. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Cần bổ sung quy định với tiền ảo
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội gây chú ý khi nêu rõ 7 thủ đoạn rửa tiền phổ biến hiện nay. Thứ nhất, thành lập công ty vỏ bọc để mua bán khống hàng hóa, sau đó lợi dụng để rửa tiền.
Thứ hai, thủ đoạn rút tiền mặt thông qua nền tảng trò chơi trực tuyến, điển hình vừa qua là vụ thông qua các trò chơi điện tử để tổ chức đánh bạc trực tuyến lên tới hàng ngàn tỷ đồng liên quan đến Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương. Với hình thức này, người chơi có thể dùng tiền mặt để đổi thẻ (hay còn gọi là xèng) tham gia trò chơi. Sau khi trò chơi kết thúc, có thể rút và đổi thẻ đó thành tiền mặt.
Thứ ba, thủ đoạn núp bóng gây quỹ làm từ thiện, đi du lịch.
Thứ tư, chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người hưởng thừa kế.
Thứ năm, nhờ người thân mua bán, chuyển nhượng hoặc cho, tặng bất động sản.
Thứ sáu, thủ đoạn mua bán cổ phiếu, trái phiếu.
Thứ bảy, cung cấp các dịch vụ tiền ảo, bitcoin…  Với tiền ảo, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa chấp nhận nhưng đã có các hiệp hội, hoặc các tổ chức thực hiện hoạt động này. Cũng giống như trò chơi trực tuyến là dùng tiền thật để mua tiền ảo rồi đổi lại tiền thật. Như vậy, các đối tượng có thể lợi dụng dùng tiền bẩn mua tiền ảo rồi rút ra thành tiền sạch.
Theo ĐB Nguyễn Minh Đức, đây là 7 thủ đoạn rửa tiền phổ biến hiện nay, đề nghị cần xem xét, tính toán chặt chẽ trong dự án luật sửa đổi lần này. 
Ngay khi họp ở tổ thảo luận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ý kiến: “Sửa đổi Luật PCRT phải cân nhắc đến tiền ảo. Bởi chúng ta chưa công nhận nhưng trên thực tế vẫn có, người dân vẫn sử dụng. Khi thảo luận ở Chính phủ cũng có 2 luồng ý kiến là quy định hay không quy định trong luật. Theo tôi, đề nghị giao cho Chính phủ quy định về kiểm soát, chế tài xử lý các loại liên quan đến điện tử, kỹ thuật số…".
Cũng đề cập đến vấn đề liên quan đến tiền điện tử, ĐB Trần Tuấn Anh (Khánh Hòa), Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật, nhưng thực tế trong hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia đã nhìn nhận và công nhận vai trò của tiền điện tử, thậm chí có cả những quy định để điều chỉnh và đảm bảo vai trò của tiền điện tử.
Do vậy dự thảo luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này. Bên cạnh đó, ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài, nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ đã công nhận pháp lý với tiền điện tử.
Tránh lạm dụng “cứ nghi ngờ là trì hoãn giao dịch”
Nhằm thực hiện tốt chức năng về PCRT, dự thảo đã quy định áp dụng biện pháp tạm thời là trì hoãn giao dịch và phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản. Theo Điểm b, Khoản 1, Điều 44 việc trì hoãn giao dịch được thực hiện “khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo các pháp luật có liên quan”.
Nhưng ĐB Nguyễn Minh Đức cho rằng, quy định như vậy chưa rõ ràng, quá rộng, bởi chỉ nghi ngờ nhưng các cơ quan khác cũng có thể yêu cầu trì hoãn giao dịch. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế khác. Do đó, cần quy định rõ là: “Khi có yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để phục vụ hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo tội phạm kiến nghị điều tra truy tố xét xử”.
Theo ĐB Trần Tuấn Anh, ban soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở hợp lý để nghi ngờ và trì hoãn giao dịch, nếu không sẽ mang cảm tính và rất dễ bị lạm dụng.
“Tốt nhất nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để bảo đảm không hạn chế quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013” - ĐB Trần Tuấn Anh nói và đề nghị dự thảo cũng cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo minh bạch, rõ ràng và tránh lạm quyền.
ĐB Bùi Sĩ Hoàn (Hải Dương) cho rằng, quyền sở hữu, quyền định đoạt của cá nhân chủ sở hữu đã được quy định tại Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, để tránh tình trạng lạm dụng hoặc áp dụng các biện pháp tạm thời một cách tùy tiện, thiếu căn cứ pháp lý, đồng thời để đảm bảo tính chính xác khi áp dụng các biện pháp tạm thời, cần nghiên cứu bổ sung quy định về tính chịu trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
ĐB Nguyễn Minh Đức đề nghị, để ngăn chặn việc các cán bộ tố tụng hình sự lợi dụng, lạm dụng hoặc vượt quá yêu cầu, dự thảo cần bổ sung quy định các cơ quan có thẩm quyền tố tụng hình sự phải chịu trách nhiệm về yêu cầu trì hoãn giao dịch của mình. Quy định như vậy sẽ chặt chẽ, không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế khác, đồng thời đặt ra vấn đề trách nhiệm với các cơ quan tố tụng. 
  Thực tế hiện nay dù luật pháp chưa cho phép nhưng các hoạt động giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra. Do vậy nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm bằng các quy định trong luật, lĩnh vực này sẽ rất dễ trở thành lĩnh vực rửa tiền nhiều nhất. 
ĐB TRÌNH LAM SINH (An Giang)

Các tin khác