Và dự thảo Luật PCRT (sửa đổi) gồm 4 Chương, 65 Điều đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 15. Bên cạnh những nội dung mới bổ sung sửa đổi hợp lý và khả thi, theo tôi dự thảo nên tập trung vào 6 nội dung.
Thứ nhất, rà soát đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật có liên quan đến PCRT. Theo tôi quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong PCRT; phù hợp các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập dữ liệu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng với các luật có liên quan như Luật An ninh mạng, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)...
Thứ hai, đối tượng báo cáo về PCRT bao gồm tổ chức tài chính, tổ chức và cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính, đặc biệt bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, bởi đây là xu hướng phát triển của thị trường tài chính tiền tệ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể đối tượng báo cáo PCRT đảm bảo tính khả thi, phù hợp với năng lực quản lý và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin chủ sở hữu hưởng lợi. Theo đó đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi và áp dụng các biện pháp để nhận biết, cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi. Tuy nhiên, việc bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ bao gồm dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ theo các lĩnh vực cụ thể tại Khoản 3, phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi Chính phủ ban hành quy định, để bảo đảm phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ban soạn thảo Luật PCRT cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế Quốc hội để rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về báo cáo kết quả đánh giá rủi ro, hoặc cập nhật kết quả đánh giá rủi ro về rửa tiền và Khoản 1 Điều 16, bảo đảm tính khả thi và tránh tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các đối tượng khi triển khai.
Thứ tư, bên cạnh các quy định trong dự thảo luật chủ yếu tập trung vào kiểm soát dòng tiền giao dịch qua định chế tài chính ngân hàng, cần xem xét bổ sung biện pháp kiểm soát giao dịch tiền mặt, đặc biệt liên quan đến bất động sản và các tài sản có giá trị lớn khác vốn vẫn còn phổ biến ở nước ta.
Thứ năm, bổ sung các quy định về tiền ảo, tài sản ảo vào dự thảo sửa đổi Luật PCRT. Nếu chỉ giao Chính phủ quy định về kiểm soát, chế tài xử lý các loại liên quan đến điện tử, kỹ thuật số… sẽ hạn chế tính pháp lý và cơ sở vững chắc, hiệu quả để PCRT nói riêng và quản lý nhà nước đối với tiền ảo cũng như tài sản ảo nói chung. Bởi lẽ, quy mô thị trường tiền ảo toàn cầu đã lên đến hàng ngàn tỷ USD với sự phát triển rất đa dạng và phức tạp.
Thứ sáu, khi Luật PCRT có hiệu lực thi hành cần hoàn thành ngay việc phân công chức năng đơn vị đầu mối về PCRT. Do tính chất phức tạp và vai trò quan trọng của PCRT trong hiện tại và tương lai 10-15 năm tới, dự thảo Luật PCRT cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ của cơ quan đầu mối PCRT, có thể dưới hình thức một Cục trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, thay vì trực thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng như hiện nay.