Tiền ảo là “động vật rất nguy hiểm”, cần gấp khung pháp lý

(ĐTTCO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ quan điểm khi tham gia thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): “Tôi rất sốt ruột, khi ta chưa công nhận tiền ảo nhưng trên thực tế vẫn giao dịch, phải nghiên cứu cách xử lý thế nào cho phù hợp”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ quan điểm khi tham gia thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ quan điểm khi tham gia thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
 Bài viết dưới đây không bàn về khía cạnh công nghệ, mà chỉ tìm cách phác họa một vài vấn đề kinh tế tiền tệ của tiền ảo cũng như đặt ra vài hàm ý chính sách có liên quan.
Khía cạnh kinh tế và tiền tệ của tiền ảo
Khái niệm tiền ảo được sử dụng trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện nay có ý bao hàm tất cả các loại tiền điện tử, tiền mật mã, tiền kỹ thuật số. Trên thế giới, các thuật ngữ như tiền điện tử, tiền mật mã, tiền kỹ thuật số, tiền ảo, mã thông báo hay thậm chí đồng nghĩa chúng với các tài sản kỹ thuật số, được sử dụng trong các ngữ cảnh khác nhau. Điều này phần nào cho thấy bản chất ngày càng phát triển của tiền ảo và các tài sản kỹ thuật số.
Bitcoin và nhiều loại khác như ether, tether… gọi chung là tiền ảo. Do tiền tố “crypto” nên còn được gọi là tiền mã hóa (cryptocurrency), với ý nghĩa được sử dụng để tạo ra hoặc xác thực các giao dịch. Và tiền ảo được thiết kế để trở thành một loại tiền tệ, nhưng không giống như các loại tiền trong lịch sử mà con người từng biết.
Thứ nhất, tiền tệ luôn có một tổ chức phát hành, thường là một thực thể đáng tin cậy như Nhà nước. Ngay cả khi vàng được sử dụng như một loại tiền tệ, cũng được phát hành bởi một thực thể pháp lý.
Thứ hai, về mặt lịch sử, tiền tệ luôn là một loại hàng hóa có giá trị nội tại hoặc một công cụ nợ. Còn tiền ảo không tuân theo cách hiểu này của tiền tệ vì không có tổ chức phát hành, không phải công cụ nợ hoặc hàng hóa, cũng như không có bất kỳ giá trị nội tại nào. Tiền tệ cần niềm tin, nhưng không phải bất cứ thứ gì có niềm tin đều được gọi là tiền tệ.
Tiền ảo ngày nay có tham vọng trở thành một hình thức tiền tệ mới, và hứa hẹn duy trì niềm tin ổn định giá trị bằng việc dựa trên nền tảng công nghệ. Điều này dựa trên 3 yếu tố. Đầu tiên, các quy tắc là một bộ giao thức mã máy tính chỉ định cách người tham gia có thể giao dịch. Thứ hai, một sổ cái lưu trữ lịch sử các giao dịch.
Thứ ba, một mạng lưới phi tập trung gồm những người tham gia cập nhật, lưu trữ và đọc sổ cái của các giao dịch tuân theo các quy tắc của giao thức. Với những yếu tố này, các “fan” ủng hộ tuyên bố, tiền ảo được thiết kế để không phải tuân theo các hướng dẫn “sai lầm” của ngân hàng và chính quyền.
So với tất cả các loại tiền tệ khác hiện hành (tiền pháp định và các loại tiền được tạo ra trong quá trình tạo tiền của các ngân hàng thương mại với nhau và với ngân hàng trung ương như tiền tài khoản và các khoản dự trữ), tiền ảo là kết hợp của 3 đặc điểm chính. Đầu tiên là kỹ thuật số với kỳ vọng trở thành một phương tiện thanh toán thuận tiện và dựa vào mật mã để ngăn chặn các giao dịch giả mạo và gian lận.
Tiếp đến, mặc dù được tạo ra một cách riêng tư nhưng lại không thuộc trách nhiệm của bất kỳ ai, tức không thể được chuộc lại và giá trị tiền ảo chỉ xuất phát từ kỳ vọng được người khác chấp nhận. Điều này làm tiền ảo giống như một loại tiền hàng hóa, nhưng lại không có bất kỳ giá trị nội tại nào. Và cuối cùng, tiền ảo cho phép trao đổi “ngang hàng” kỹ thuật số.
So với các loại tiền kỹ thuật số khác như tiền gửi và các khoản dự trữ ngân hàng, đặc điểm phân biệt của tiền ảo là trao đổi ngang hàng kỹ thuật số. Trong khi tài khoản ngân hàng kỹ thuật số đã tồn tại trong nhiều thập niên, còn “tiền ảo” do tư nhân phát hành, chẳng hạn được sử dụng trong các trò chơi trực tuyến, có trước tiền mã hóa hơn một thập niên. Về nguyên tắc, việc chuyển tiền ảo có thể diễn ra trong một môi trường phi tập trung mà không cần một đối tác trung tâm thực hiện trao đổi.
Để niềm tin vào tiền ảo được duy trì, những người tham gia mạng cần kiểm soát rất trung thực phần lớn sức mạnh tính toán, mỗi người dùng cần xác minh lịch sử giao dịch và việc cung cấp tiền ảo phải được xác định trước bằng các quy tắc trong bộ giao thức. Nhưng niềm tin “phi tập trung” có thể bốc hơi chỉ trong một ngày, vì tính mong manh của sự đồng thuận phi tập trung đối với các giao dịch được ghi lại.
Điều này không chỉ đặt ra câu hỏi về “tính cuối cùng” của từng khoản thanh toán riêng biệt, mà tiền ảo còn có khả năng đột ngột ngừng hoạt động và do đó mất hoàn toàn giá trị. Do vậy với người dùng không chỉ tin tưởng về loại tiền tệ nào đó, mà còn phải tin vào việc thanh toán sẽ diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Và một thuộc tính hoạt động hàng đầu của tiền phải là: tính chắc chắn của việc thanh toán. Đó chính là “tính cuối cùng” và khả năng tranh chấp các giao dịch nếu có điều gì xử lý không được chính xác. 
“Tính cuối cùng” đòi hỏi hệ thống không có gian lận và rủi ro hoạt động, ở cấp độ của cả giao dịch riêng lẻ và toàn bộ hệ thống. Trong khi đó, với việc giám sát chặt chẽ bởi pháp luật và trách nhiệm giải trình, các ngân hàng trung ương ngày nay luôn là chỗ dựa tin cậy cho “tính cuối cùng”, và do đó tạo ra tin tưởng rộng lớn trong toàn xã hội. Nhìn chung, công nghệ phi tập trung của tiền ảo, dù tinh vi đến đâu, sẽ khó thể hoàn hảo để thay thế cho các đồng tiền được hỗ trợ vững chắc của các thể chế tiền tệ tập trung.
Hiện một số quốc gia có xu hướng coi tiền ảo là tài sản tài chính. Nhưng cách hiểu này vẫn chưa ổn, bởi vì tất cả các tài sản tài chính đều có dòng tiền cơ bản (cổ phiếu, trái phiếu) và cần phải thuộc trách nhiệm của một người nào đó. Tiền ảo không phải trách nhiệm pháp lý của bất kỳ cá nhân nào, cũng như không có bất kỳ dòng tiền cơ bản nào.
Theo cách hiểu trong tài chính, tiền ảo không phải tài sản tài chính. Cũng có một số quan điểm xem tiền ảo như một loại hàng hóa. Nhưng hàng hóa là hữu hình, chẳng hạn như vàng và có tiện ích, còn tiền ảo thì không có.
Hàm ý chính sách
Nếu tiền ảo không phải tiền tệ theo nghĩa thông thường của thuật ngữ “tiền”, cũng không phải tài sản tài chính hay tài sản vật chất, vậy chúng là gì? 
Một số quan điểm đề xuất gọi là tài sản kỹ thuật số, với hàm ý liên quan đến các giao dịch trong hệ thống tiền tệ, nhất là các ngân hàng. Về vấn đề này, trong công bố phát hành ngày 13-3-2020, Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đánh giá: “Những tài sản kỹ thuật số không cung cấp một cách đáng tin cậy các chức năng tiêu chuẩn của tiền và không an toàn để dựa vào đó làm phương tiện trao đổi hoặc lưu trữ giá trị. Các loại tài sản kỹ thuật số không phải đấu thầu hợp pháp, và không được hỗ trợ bởi bất kỳ chính phủ hoặc cơ quan công quyền nào”.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng tiếp cận tiền (tài sản) ảo sẽ gặp phải một số rủi ro như rủi ro thanh khoản; rủi ro tín dụng; rủi ro thị trường; rủi ro hoạt động (bao gồm gian lận và rủi ro không gian mạng); rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố; rủi ro pháp lý và danh tiếng. Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng hiện cũng chỉ dừng ở mức tham vấn các bên về khuôn khổ giám sát ngân hàng đối với tài sản tiền điện tử (Ủy ban Basel vẫn chưa đưa ra được bất kỳ khuôn khổ chính thức nào cho các nước).
Mặc dù tiền ảo không hoạt động như tiền, nhưng công nghệ cơ bản của nó có thể có nhiều hứa hẹn trong các lĩnh vực khác, làm rung chuyển thế giới tài chính, nhất là trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới. Tiền ảo ở Việt Nam đang nằm trong khoảng trống pháp lý khi không bị cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận.
Đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc các khuôn khổ pháp lý, giám sát và quản lý tiền ảo, trong khi vẫn duy trì đổi mới trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số. Tuy nhiên, theo BIS, việc bùng nổ tiền ảo và các nền tảng công nghệ có liên quan dẫn đến một số câu hỏi về chính sách.
Một mặt, các cơ quan quản lý phải đảm bảo tính toàn vẹn thị trường và hệ thống thanh toán, bảo vệ người tiêu dùng, nhà đầu tư, ổn định tài chính tổng thể. Mặt khác, thách thức rất lớn là chống lại việc sử dụng tiền bất hợp pháp, nhưng làm sao cũng phải đồng thời duy trì các động lực lâu dài cho đổi mới. Điều này đòi hỏi các công cụ mới và các cách tiếp cận phù hợp, hơn là chỉ dựa vào các quan niệm truyền thống (chí ít như những gì phần đầu bài viết).
BIS gợi ý 3 hàm ý chính sách phát triển tiền ảo. Thứ nhất, vì tiền ảo có bản chất toàn cầu, các quy định chỉ thực sự đạt hiệu quả tốt nhất nếu như có phối hợp toàn cầu.
Thứ hai, tạo ra khả năng tương tác giữa tiền ảo với các tổ chức tài chính được cấp phép. Chỉ có các sàn giao dịch được quản lý mới có thể cung cấp tính thanh khoản cho các sản phẩm tài chính dựa trên nền tảng blockchain hay bất kỳ, miễn không thuộc diện thanh toán tập trung thông qua hệ thống ngân hàng, và cần phải được chuyển đổi thành tiền tệ pháp định.
Do đó, cần có các quy tắc về thuế và yêu cầu vốn đối với các tổ chức kinh doanh các tài sản có liên quan đến tiền ảo.
Thứ ba, chính quyền đặt ra các quy định cốt lõi đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tiền ảo được cấp phép. Thí dụ: để đảm bảo chống rửa tiền và tài trợ khủng bố hiệu quả, quy định có thể tập trung vào thời điểm mà tiền ảo phải được chuyển đổi thành tiền tệ pháp định.
Để kết thúc, bài viết trích dẫn cách tiếp cận về tiền ảo tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Fabio Panetta, thành viên Ngân hàng trung ương châu Âu ECB, một mặt cho rằng họ cam kết sẽ hoàn thành khuôn khổ giám sát mới đối với các nhà cung cấp tài sản tiền kỹ thuật số và tiền ảo khu vực tư vào cuối năm 2022, mặt khác cảnh báo tiền ảo là “động vật rất nguy hiểm”.
Sở dĩ gọi “động vật rất nguy hiểm” bởi vì việc cấu trúc của tiền ảo hiện nay hầu hết đều nhằm mục đích không chịu kiểm soát của chính quyền, và được sử dụng phần lớn cho các hoạt động tội phạm; việc quản lý và giám sát tiền ảo hay tài sản kỹ thuật số rất khó, vì không có pháp nhân chịu trách nhiệm và vì chúng không có biên giới.
Tiền tệ lành mạnh là trọng tâm của nền kinh tế thị trường, và chính các ngân hàng trung ương được thiết kế để trở thành độc nhất cung cấp tính lành mạnh này. Nếu thực sự các tranh luận cho thấy tiền kỹ thuật số thực là cần thiết – chắc chắn là như thế – hơn ai hết Ngân hàng Nhà nước phải là người tiên phong phát hành đồng tiền kỹ thuật số.
 Tiền ảo ở Việt Nam đang nằm trong khoảng trống pháp lý khi không bị cấm nhưng cũng không được pháp luật thừa nhận. Đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc các khuôn khổ pháp lý, giám sát và quản lý tiền ảo, trong khi vẫn duy trì đổi mới trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số. 

Các tin khác