Hệ thống ngân hàng phải là hạt nhân trong phòng chống rửa tiền

(ĐTTCO) - Hoạt động rửa tiền chủ yếu qua hệ thống ngân hàng, nên các nhà băng có vai trò rất quan trọng, là hạt nhân trong thực hiện phòng chống rửa tiền (PCRT). 

Hệ thống ngân hàng phải là hạt nhân trong phòng chống rửa tiền
Hiện nay, quy trình rửa tiền phổ biến là "tiền bẩn" được tập trung lại và hòa nhập vào hệ thống tài chính, thông thường là hệ thống ngân hàng, sau đó được chuyển đến một công ty bình phong nào đó trong nước, tiếp tục được chuyển ra nước ngoài, rồi từ đó quay về lại công ty bình phong dưới dạng hóa đơn giả, hay qua một công ty trung gian khác rồi chuyển thành tài sản.
Bên cạnh đó cũng có một số hình thức khác như chuyển tiền mặt qua biên giới, dùng hóa đơn giả, thông qua các sòng bài, hoặc hàng hóa có giá trị cao nhưng nhỏ gọn dễ vận chuyển.
Tham nhũng đang là vấn đề lớn của Việt Nam khi Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, và tiền bẩn từ tham nhũng là cấu phần quan trọng trong hoạt động rửa tiền. Bên cạnh đó, các hoạt động phi pháp như cờ bạc, buôn lậu ma túy, trốn thuế, buôn bán động vật hoang dã, buôn người… cũng là những hoạt động có liên quan chặt chẽ với việc rửa tiền.
Việc hội nhập quốc tế qua các công ước như Palermo, Vienna, Merida, cùng với các tiêu chuẩn quốc tế về tài chính, thương mại, cũng là áp lực quan trọng để Việt Nam cải thiện hơn các hoạt động PCRT của mình.
Mặc dù hoạt động rửa tiền có thể thông qua cùng lúc hệ thống tài chính và phi tài chính, nhưng chủ yếu vẫn là qua hệ thống ngân hàng. Lấy thí dụ như trường hợp qua giao dịch bất động sản, kim loại quý, đá quý, các mặt hàng xa xỉ… thường phải qua hệ thống ngân hàng. Bởi lẽ, ở các nước phát triển, giao dịch tiền mặt chỉ được phép ở một mức độ nào đó, chẳng hạn như tại Pháp tối đa 2.000EUR ở các cửa hàng.
Vì thế, lúc này vai trò của các ngân hàng rất quan trọng trong việc thực hiện KYC (định danh khách hàng) và CDD (thẩm định khách hàng). Nhưng quan trọng hơn là phải có trung tâm thông tin đầu mối đặt ở một đơn vị trong ngân hàng trung ương, cũng như hiệu quả hoạt động của các nhân viên ở đây.
Thông thường hoạt động giám sát sẽ được thiết kế tự động cho các chỉ số cảnh báo và kiểm tra ngẫu nhiên, và điều này phụ thuộc vào sự mẫn cán cũng như yếu tố con người có thể can thiệp. Chẳng hạn, một số giao dịch bất thường về tần suất và giá trị có thể được làm ngơ có chủ ý.
Các ngân hàng thường được dùng làm các lớp lọc nên hoạt động PCRT chủ yếu bắt đầu ở đây. Điều này cho thấy những ngân hàng nào thực sự muốn tham gia tích cực vào PCRT phải đầu tư nhiều nguồn lực và mạng lưới. Nhưng dù vậy vẫn có những vụ scandal khi có những ngân hàng quốc tế lớn bị phạt vì tiếp tay cho hoạt động rửa tiền.
Việc tiếp tay cho hoạt động rửa tiền dĩ nhiên mang lại những lợi ích nhất định cho một ngân hàng, nhưng rủi ro của hành vi này không hề nhỏ. Chẳng may bị phát hiện, với chính sách nghiêm khắc của một số quốc gia, việc bị xử phạt sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí bị truy tố là cái giá phải trả không hề nhỏ.
Thêm vào đó là uy tín quốc tế bị sụt giảm nghiêm trọng. Còn trong trường hợp ngân hàng có một hệ thống PCRT hiệu quả sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro xuất phát từ ngân hàng đối tác, mở rộng việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng quốc tế, đặc biệt cho các khách hàng lớn.
Việc cải thiện hiệu quả của hệ thống PCRT hết sức cần thiết cho một nền kinh tế đang phát triển và hội nhập mạnh mẽ như Việt Nam.
Tuy vậy, các quy định mới cũng cần chú ý đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng dịch vụ tài chính, tránh lạm dụng trong việc báo cáo cơ quan quản lý giám sát, và nên tập trung chủ yếu vào các tổ chức tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Cùng với đó là hợp tác trao đổi chủ động, tích cực với các tổ chức quốc tế trong việc PCRT.

Các tin khác