Nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu tăng cao. Vì vậy, nhằm bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhiều địa phương lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã chủ động xây dựng các kế hoạch thu mua và dự trữ hàng hóa, đáp ứng cho nhu cầu mua sắm của người dân.
Liên kết, đa dạng nguồn cung
Theo ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm, thành phố đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến một số địa phương, trong đó có Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm vào thị trường Hà Nội.
Bên cạnh việc tiếp tục kết nối cung cầu đưa hàng hóa địa phương vào thành phố, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, song song với đó sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố vào các điểm bán này.
Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai Đề án tăng cường quản lý cửa hàng trái cây với mục đích cấp biển nhận diện cửa hàng theo yêu cầu của đề án chuyên doanh về trái cây.
“Trong tháng 10, Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hóa địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân Thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn,” ông Hiệp thông tin thêm.
Giới thiệu các đặc sản của tỉnh Tây Ninh tới du khách Thủ đô. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Với số lượng người dân đông, dịp cuối năm cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh các chương trình kích cầu, bình ổn thị trường. Ông Nguyễn Thế Hiệp thông tin thêm Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch nhằm theo dõi sát sao diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu.
Cùng với đó, lực lượng chức năng của thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và kiểm tra việc hướng dẫn phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất và thương mại; hỗ trợ tổ chức các hội chợ như Hội chợ quà tặng thủ công mỹ nghệ, hội chợ ngành công nghiệp chủ lực 2023, tăng cường kết nối giao thương, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Hà Nội với các cơ quan khác…
Còn tại Đà Nẵng, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ bên cạnh việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, Đà Nẵng cũng lên phương án bình ổn thị trường. Điểm đặc biệt trong năm nay là không chỉ bình ổn mặt hàng thịt lợn mà còn bình ổn nhiều loại hàng hóa khác.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ luôn chiếm từ 20-30% cả nước, thành phố được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn, kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.
Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin trong quý 3/2023, sở công thương đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá, trong đó 30% tham gia với mức giảm giá trên 50%.
“Thời gian tới, sở công thương sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia chương trình này đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Thêm nữa, thành phố sẽ liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho cuối năm và dịp Tết,” đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Sẵn sàng nguồn cung xăng dầu
Hiện nay, giá xăng dầu thị trường đang có nhiều biến động do gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia. Chính vì vậy, việc chủ động từ sớm nguồn hàng cũng được các doanh nghiệp đầu mối lên phương án và sẵn sàng trong những giai đoạn cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chia sẻ do đồng bộ nhiều giải pháp nên nguồn cung xăng dầu 9 tháng qua rất ổn định. Đặc biệt, gần đây, các thương nhân đầu mối đẩy hàng ra thị trường thông qua chính sách thù lao rất cạnh tranh. Hiện các thương nhân đầu mối nhập khẩu xăng dầu đều không khó khăn trong tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu.
“Một tin vui với nguồn cung xăng dầu nội địa là việc bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn khả năng hoàn thành sớm. Trước đây, dự kiến ngày 15/10, nhà máy mới cung cấp lại sản phẩm nhưng đến nay, dự kiến cung cấp nguồn cung xăng dầu thành phẩm sẽ sớm hơn, từ 7-10/10,” ông Trần Ngọc Năm nói.
Các doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung xăng dầu góp phần bình ổn thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Với sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, hiện nguồn cung xăng dầu các tháng tiếp theo năm 2023 về cơ bản được đảm bảo. Liên bộ cũng sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá (BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Theo thống kê, đến cuối tháng 9/2023, số dư Quỹ BOG xăng dầu đang ở mức trên 7.000 tỷ đồng. Đây là số dư cao nên trong điều kiện cần thiết, liên bộ sẽ sử dụng để can thiệp vào giá.
“Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường, đồng thời, phối hợp với các bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Hà Nội đã bảo đảm dự trữ nguồn cung tăng từ 30% đến 35%, trong đó ngoài hàng hóa Hà Nội giao cho các hệ thống phân phối tăng 15% so với nhu cầu năm 2022 thì các doanh nghiệp phải dự trữ tăng 30%.
Cũng trong năm 2023 vừa qua, chương trình bình ổn thị trường không chỉ thực hiện với các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội mà còn phối hợp với cả các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố khác.