5 vi phạm nghiêm trọng
Báo ĐTTC vừa nhận được đơn tố cáo của ông Đỗ Văn Thanh cùng một số cổ đông phản ánh về hành vi cố ý tổ chức ĐHĐCĐ năm 2020 của Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Dầu khí - CTCP (PVE).
Theo đơn phản ánh, quá trình tổ chức và thông qua nội dung ĐHĐCĐ năm 2020 PVE của một số thành viên HĐQT và nhóm cổ đông có tỷ lệ cổ phần chi phối đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông cũng như những cổ đông khác.
Cụ thể, thứ nhất vi phạm thời hạn gửi thông báo mời họp và các tài liệu gửi kèm. Theo ông Thanh, quy định tại Khoản 1, 3 Điều 143 Luật Doanh nghiệp 2020, người triệu tập họp ĐHĐCĐ phải gửi thông báo mời họp và các tài liệu gửi kèm (chương trình họp, các tài liệu sử dụng trong cuộc họp và dự thảo nghị quyết đối với từng vấn đề trong chương trình họp...) chậm nhất 21 ngày trước ngày khai mạc. Tuy nhiên, thực tế, HĐQT PVE chỉ gửi Thông báo mời họp 09/TB-TKDK-HĐQT về việc tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 vào lúc 13 giờ ngày 26-4; không hề gửi đến cổ đông các nội dung trình Đại hội.
Đến ngày 22-4, tại Biên bản họp HĐQT số 194/BB-HĐQT, HĐQT mới Thông qua dự thảo các tài liệu trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2020; thông qua danh sách đề cử/ứng cử HĐQT; công tác khác phục vụ cho ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
“Như vậy, các nội dung trình đại hội chỉ được HĐQT thông qua trước khi diễn ra Đại hội 4 ngày (thông qua nội dung ngày 22-4, Đại hội diễn ra 13 giờ ngày 26-4) và không hề gửi đến các cổ đông PVE. Như vậy, việc thông báo mời họp và cung cấp thông tin trước ĐHĐCĐ của HĐQT đã vi phạm nghiêm trọng Khoản 1, 3 Điều 143 Luật Doanh nghiệp năm 2020” - ông Thanh kiến nghị.
Thứ hai, vi phạm thời hạn kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 142 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp ĐHĐCĐ. Kiến nghị phải bằng văn bản và được gửi đến công ty chậm nhất 3 ngày làm việc trước ngày khai mạc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định thời hạn khác”.
Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, ngày 25-4, ông Tạ Đức Tiến - người đại diện 18% vốn góp của PVN tại PVE gửi kiến nghị “miễn nhiệm 1 thành viên HĐQT độc lập của PVE đang còn đương nhiệm” bổ sung vào chương trình ĐHĐCĐ diễn ra vào lúc 13 giờ ngày 26-4. Chưa đầy 1 ngày sau (lúc 11 giờ ngày 26-4), HĐQT triệu tập cuộc họp (chỉ mời 2/5 thành viên HĐQT) thống nhất theo nội dung kiến nghị của ông Tạ Đức Tiến.
“Đây là việc làm mờ ám của các ông: ông Lê Hữu Bốn (Chủ tịch HĐQT), ông Đinh Văn Dĩnh (thành viên HĐQT), ông Tạ Đức Tiến - người đại diện 18% vốn chủ sở hữu của PVN; vi phạm thời hạn kiến nghị theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty nhằm mục đích chi phối hoạt động công ty theo ý mình” - ông Thanh bức xúc nêu trong đơn tố cáo.
Thứ ba, HĐQT ban hành Thư mời họp, Biên bản họp, Nghị quyết, Tờ trình... vào ngày 26-4 có nhiều điểm bất thường và mờ ám. Cụ thể, lúc 11 giờ ngày 26-6, HĐQT gửi Thư mời họp HĐQT, xác định thời điểm họp ngay tại thời điểm ban hành Thư mời (11h). Trong khi đó, Khoản 6 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Chủ tịch HĐQT hoặc người triệu tập họp HĐQT phải gửi thông báo mời họp chậm nhất 3 ngày làm việc trước ngày họp nếu Điều lệ công ty không có quy định khác”.
Ngoài ra, thời điểm ngày 26-4, HĐQT Công ty PVE có 5 thành viên. Tuy nhiên, ông Lê Hữu Bốn, chỉ mời ông Đinh Văn Dĩnh tham gia họp HĐQT. 3 thành viên còn lại không được mời và không tham dự. Mặc dù chỉ có 2/5 thành viên được mời tham dự, nhưng HĐQT vẫn thông qua Nghị quyết số 10/NQ-TKDK-HĐQT. Trong khi đó, Khoản 8 Điều 157 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Cuộc họp HĐQT được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp”.
Thứ tư, tiến hành ĐHĐCĐ vào thời điểm này nhưng lại ban hành Biên bản họp vào thời điểm khác. Mặc dù, ĐHĐCĐ thường niên lần 2 năm 2020 diễn ra lúc 13 giờ 30 phút ngày 28-4. Nhưng 1 ngày sau (29-4), Đại hội mới ban hành Biên bản ĐHĐCD thường niên năm 2020, số 34/BB-TDKD-ĐHĐCĐ. Điều này là trái với quy định tại Khoản 2 Điều 150 Luật Doanh nghiệp 2020: “Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông phải làm xong và thông qua trước khi kết thúc cuộc họp”.
Thứ năm, việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT độc lập của ông Lê Thái Thanh chỉ dựa vào lý do theo Giấy kiến nghị của ông Tạ Đức Tiến, ngày 25-4 là không đúng sự thật và không đúng quy định pháp luật. Theo đó, với lý do: “Thành viên HĐQT độc lập chịu trách nhiệm cùng với HĐQT về việc không hoàn thành nghĩa vụ quản trị PVE trong việc chậm ban hành Báo cáo tài chính năm 2019 và đến nay cũng chưa có Báo cáo tài chính các năm 2020, 2021; Chậm tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020; Chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, 2021; PVE không còn là công ty niêm yết nên không bắt buộc phải có thành viên HĐQT độc lập”.
Ông Đỗ Văn Thanh cho rằng, nếu chỉ căn cứ vào những lý do trên để bãi nhiệm tư cách thành viên HĐQT độc lập đối với ông Lê Thái Thanh là không đúng với thực tế và trái quy định của pháp luật. Bởi nếu áp dụng những lý do này, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm phải là Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc chứ không phải bất cứ thành viên HĐQT nào.
Cần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông
Từ những phân tích nêu trên, ông Thanh cho rằng, toàn bộ quá trình Thông báo, triệu tập, tiến hành ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Tổng Công ty PVE do một số cổ đông lớn tiến hành là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều cổ đông khác, trong đó có ông.
“Đây là hành vi cố tình cấu kết, xem thường pháp luật nhằm mục đích vụ lợi. Do đó, toàn bộ nội dung thông qua tại Nghị quyết số 34/BB-TDKD-ĐHĐCĐ ngày 29-4 của PVE là trái pháp luật và không có giá trị pháp lý. Hành vi của nhóm cổ đông này cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tôi và các cổ đông khác”, ông Đỗ Văn Thanh nêu trong đơn.
ĐTTC sẽ tiếp tục xác minh những nội dung phản ánh từ ông Thanh và nhóm cổ đông để chuyển tải đến bạn đọc.