DNNN - mô hình lỗi thời, chậm thay đổi
Việc lùm xùm từ hàng loạt dự án BT, BOT giao thông do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc Bộ GTVT quản lý, báo chí và dư luận phanh phui, càng cho thấy sự bết bát trong công tác quản lý, vận hành DNNN theo hình thức bộ chủ quản. Về khách quan, VEC có vai trò đáng ghi nhận trong việc đầu tư hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Song, VEC cũng như bất cứ DNNN nào khác, chỉ nên tồn tại trong thời gian nhất định gắn với nhiệm vụ nhất định. Bởi khi tồn tại quá lâu, vai trò của DNNN sẽ bị lỗi thời, thậm chí phát sinh tiêu cực, bóp méo thị trường, trở thành lực cản cho phát triển.
Trên thực tế, các DNNN làm ăn thua lỗ hoặc không có lãi không phải bây giờ mới xảy ra. Chính sự chậm chạp trong chuyển đổi mô hình đã làm cho vấn đề càng thêm trầm trọng. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng tài sản của các DNNN hơn 3 triệu tỷ đồng, nhưng tổng số nợ phải trả lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT).
Trong đó, 20 TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ đầu tư lớn hơn 3 lần, thậm chí hàng chục lần. Một số TĐ, TCT thuộc Nhà nước quản lý từng một thời được xem là quả đấm thép, giờ đây cũng đội sổ vì nợ nần.
Các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng bê bết của các DNNN bởi nguyên tắc thị trường, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin đã không được tôn trọng. Nguyên nhân sâu xa hơn là mô hình các DNNN đã xây dựng và vận hành trước đó đã lỗi thời.
VEC là DNNN có vai trò quan trọng trong đầu tư hạ tầng giao thông, song nếu để tồn tại quá lâu sẽ dễ bị lỗi thời.
Ngược thời gian, cách đây hơn chục năm, các DNNN từng được tái cơ cấu, nhiều DNNN được kỳ vọng thành những mũi nhọn, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Nhiều người đã từng mơ đến những TĐ, công ty lớn mạnh như các TĐ kinh tế của Nhật Bản được xây dựng theo mô hình các keiretsu, hay Hàn Quốc theo mô hình các chaebol.
Kỳ vọng đó càng được củng cố khi cách đó không lâu, Việt Nam chính thức gia nhập WTO (năm 2007), một sân chơi lớn và lạ lẫm. Nhưng khi Việt Nam đang tự tin để tập trung xây dựng các quả đấm thép là các TĐ, TCT nhà nước, những mô hình keiretsu và chaebol - bị khủng hoảng trầm trọng từ nhiều năm trước đó - đã thoái trào.
Keiretsu phá sản ở Nhật Bản từ những năm 1990 khi kinh tế nước này bị vỡ bong bóng bất động sản và cổ phiếu. Dư âm của nó vẫn còn đến ngày nay với việc thị trường bất động sản Nhật Bản hiện lưu dấu tích đống hoang tàn của khoảng 1 triệu căn nhà bỏ hoang. Trong khi ở Hàn Quốc các chaebol chao đảo trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997. Thậm chí TĐ điện tử hùng mạnh Samsung cũng suýt bên bờ phá sản nếu như không nhận được sự hậu thuẫn từ chính phủ.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại vào thời kỳ đó, sau này trong nhiều lần trao đổi với báo chí đã thẳng thắn nhìn nhận, đó là thời kỳ tính dự báo chiến lược về kinh tế của Việt Nam có nhiều hạn chế. Điều này đã dẫn đến tình trạng rập khuôn mô hình, trong khi kinh tế Việt Nam chậm thích ứng hoặc chuyển đổi, nên đã chịu nhiều ảnh hưởng lớn khi có tác động từ bên ngoài.
Kỳ vọng mới DNTN
Kỳ vọng mới DNTN
Việc Hội nghị Trung ương 5 Khóa 12 ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, được xem là quyết định có tính đột phá cả về nhận thức lẫn thực tiễn, được kỳ vọng tạo động lực thúc đẩy phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân và toàn bộ nền kinh tế, từng bước chuyển đổi mô hình cho kinh tế Việt Nam.
Chính phủ cũng thành lập Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) với hy vọng đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi mô hình hơn, đồng thời cũng đặt ra kỳ vọng đạt mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 50–60% GDP.
GS. Trần Văn Thọ, giảng viên kinh tế Đại học Wesada (Nhật Bản), thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ, nhận xét mô hình kinh tế Việt Nam đang tiếp tục có sự chuyển đổi về mô hình, từ chỗ dựa vào một số TĐ kinh tế nhà nước, nay đang dần chuyển sang cho DNTN, với mong muốn là đầu tàu dẫn dắt các DN khác cùng phát triển. Sự chuyển dịch này là phù hợp với xu thế chung.
Bởi sự tồn tại và phát triển của khu vực tư nhân là tất yếu, nhiều quốc gia phát triển mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của hình thức kinh tế này, đã tích cực phát triển nó như một công cụ hiệu quả để phát triển kinh tế. Ở hầu hết nước phát triển, nhất là những nước theo mô hình phát triển kinh tế thị trường tự do kiểu Mỹ, hay những nước theo đuổi mô hình nền kinh tế phúc lợi ở phương Tây, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý chủ trương phát triển DNTN cần có sự công bằng và minh bạch. Không nên quá ưu ái cho một vài DNTN, bởi sẽ tạo ra những rủi ro cao như lợi ích nhóm, thao túng chính sách và làm méo mó thị trường.
Từ chỗ bị kìm hãm, không cho phát triển, đến nay, kinh tế tư nhân đã được thừa nhận vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế, đây là điều rất đáng mừng. Nhưng kinh tế tư nhân cần được phát triển ở tầm nhìn dài hạn, đồng bộ kinh tế thị trường, sử dụng tài nguyên và nguồn nhân lực hiệu quả, cải cách thể chế. Đây là những động lực để kinh tế tư nhân phát triển đúng với tiềm năng của mình. GS. Trần Văn Thọ |