Qua một năm thực hiện CPTPP: Tăng trưởng xuất khẩu chưa như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa Việt Nam và 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn, có hiệu lực từ ngày 30-12-2018, được xem là cơ hội lớn để tăng lượng hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, kết quả qua một năm thực thi vẫn còn rất khiêm tốn.
Xuất khẩu chỉ tăng 8,3%
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn hiệp định (Canada, Mexico, Nhật Bản, Singapore, Australia và New Zealand) đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%. 
Phân tích mức tăng trưởng ở từng thị trường thành viên cho thấy, Canada và Mexico (2 thị trường chưa từng có hiệp định thương mại tự do nào trước đó với Việt Nam) có tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhất, lần lượt là 28,2% và 26,8%. Con số này rất ấn tượng so với nhiều thị trường khác, nhưng lại không hẳn như vậy, vì với Canada, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình giai đoạn 2010-2018 (tức là khi chưa có CPTPP) đã tương đối cao, đạt 18%/năm. Trong các năm 2013-2014, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này thậm chí đạt mức tăng trưởng lần lượt là 32,7% và 35%. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 vào Canada chưa phải là đột biến và có thể chỉ nhỉnh hơn so với tăng trưởng tự nhiên chút ít. 
Qua một năm thực hiện CPTPP: Tăng trưởng xuất khẩu chưa như kỳ vọng ảnh 1 Xuất khẩu thủy sản vào thị trường CPTPP là một thế mạnh của doanh nghiệp Việt
Ảnh: CAO THĂNG
Tại Nhật Bản, xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường này chỉ tăng ở mức xấp xỉ mức tăng trung bình đi tất cả các thị trường, khoảng 7,7%. Tốc độ tăng này cho thấy đang có sự giảm tốc đáng kể, từ mức 14,9% năm 2017 và 11,7% năm 2018, thậm chí thấp hơn mức 8,6% của trung bình cả giai đoạn 2011-2018 vào thị trường này. 
Xét ở góc độ ngành hàng, dệt may được đánh giá có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu nhờ hưởng ưu đãi thuế quan của CPTPP, song thực tế không diễn ra như mong đợi. Kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của ngành này đạt 39 tỷ USD, thấp hơn dự báo 21 tỷ USD.
Từ những số liệu trên có thể thấy, lợi ích xuất khẩu mà CPTPP mang lại cho Việt Nam trong năm đầu tiên là có, nhưng thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng.
Riêng tại TPHCM, theo cáo báo của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường thành viên CPTPP trong 11 tháng đầu năm 2019 đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 15,44% tổng kim ngạch xuất khẩu và giảm 1,9% so với cùng kỳ do tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường CPTPP tăng thấp hơn tổng các thị trường là 17,6%. Theo nhận định của viện này, các thị trường trong khối CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam có tốc độ tăng trưởng dương, nhưng chưa thấy có sự khác biệt rõ rệt với các thị trường còn lại. 
Cần chủ động để nắm bắt cơ hội
Một năm có lẽ là khoảng thời gian còn rất ngắn để đánh giá chính xác về việc thực thi một hiệp định lớn như CPTPP. Theo phản ánh của nhiều cơ quan, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ khá nhiều khó khăn, vướng mắc. Ví dụ như, chưa công bố danh mục rà soát văn bản và xử lý kịp thời các văn bản không phù hợp với cam kết của Việt Nam để làm căn cứ cho các địa phương tiến hành rà soát.
Thiếu hướng dẫn chi tiết về các nội dung trong CPTPP, trong khi cơ quan chuyên môn ở địa phương và DN cần thông tin cụ thể cho từng chủ đề, từng lĩnh vực. Một số hướng dẫn nhằm thực thi cam kết trong CPTPP chưa theo kịp với lộ trình thực hiện cam kết, dẫn đến khó khăn khi hướng dẫn DN. Đặc biệt, chúng ta đang thiếu chuyên gia am hiểu các thông tin chuyên sâu giúp DN tận dụng cơ hội từ mở cửa thị trường trong CPTPP…
Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM, cho rằng để CPTPP đi vào cuộc sống, các bộ ngành cần nhanh chóng khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Thiết lập và duy trì kênh thông tin, kết nối hiệu quả hơn giữa TPHCM, địa phương với bộ ngành, đặc biệt là các đầu mối trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) để kịp thời tham vấn và triển khai chương trình, kế hoạch; đảm bảo mối liên kết chặt chẽ giữa các ngành và những hiệp hội ngành hàng, DN trong triển khai chương trình hỗ trợ DN.
Công tác thông tin tuyên truyền và triển khai các nghiên cứu chuyên sâu theo ngành và lĩnh vực, từng thị trường trọng điểm cần được đẩy mạnh hơn nữa đến DN, hiệp hội và các đối tượng quan tâm...
Bên cạnh đó, chính các DN phải là người chủ động trong “cuộc chơi”, vì không một cơ quan, tổ chức nào có thể làm thay DN. Trong đó, DN cần nâng cao năng lực tiếp cận thị trường xuất khẩu thông qua việc nắm bắt các luật chơi mới, tìm hiểu quy định của luật pháp thương mại và đầu tư, tập quán kinh doanh, văn hóa DN của các thành viên hiệp định.
DN cần thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội; đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và nắm thật chắc các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa - đây là yếu tố quyết định trong hành trang tiến vào thị trường đầy tiềm năng với 95% dòng thuế được gỡ bỏ, quy mô 500 triệu người, chiếm 12,9% GDP toàn cầu và 14,9% giao dịch thương mại toàn thế giới.

Các tin khác