Hãng tin Reuters ngày 1-8 dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ đến thăm và nghỉ ngơi qua đêm tại Đài Loan vào ngày 2-8, bất chấp những lời đe dọa của Trung Quốc.
Một nguồn tin khác cho biết Washington đã thông báo một số đồng minh về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Hai nguồn tin khác tiết lộ bà Pelosi đã lên kế hoạch gặp một nhóm nhỏ các nhà hoạt động trong thời gian bà ở Đài Loan, có thể vào ngày 3-8.
Trước đó, văn phòng bà Pelosi thông báo Chủ tịch Hạ viện Mỹ bắt đầu chuyến công du 4 nước châu Á, gồm Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật vào ngày 31-7, song không đề cập Đài Loan.
Thông tin về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi hiện chỉ ở mức đồn đoán, chưa có bên nào xác nhận nhưng cũng chưa có ai phủ nhận công khai.
Cơ quan Đối ngoại Đài Loan cho biết họ không có bình luận gì về thông tin liên quan đến kế hoạch công du của bà Pelosi, song Nhà Trắng, dù cũng chưa xác nhận chuyến đi của bà Pelosi, vẫn khẳng định Chủ tịch Hạ viện Mỹ “hoàn toàn có quyền” đến thăm Đài Loan.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi bắt tay Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Singapore vào ngày 1-8. Ảnh: REUTERS
"Mỹ sẽ không cắn mồi hay tham gia vào bất kỳ nguy cơ xung đột nào. Chúng tôi sẽ không bị đe dọa" - Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với các phóng viên hôm 1-8.
Theo ông, nếu bà Pelosi thực sự đến Đài Loan, các phản ứng của Trung Quốc có thể bao gồm bắn tên lửa gần vùng lãnh thổ này, tiến hành các hoạt động không quân hoặc hải quân quy mô lớn, hoặc đưa ra các "tuyên bố pháp lý giả" như việc Bắc Kinh khẳng định eo biển Đài Loan không phải một tuyến đường thủy quốc tế.
“Không có lý do gì để Bắc Kinh biến một chuyến thăm tiềm năng phù hợp với chính sách lâu đời của Mỹ thành một cuộc khủng hoảng nào đó” - ông Kirby nhận định.
Ông nhắc lại rằng một chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi không phải là nỗ lực để đe dọa Trung Quốc hay một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong chính sách Một Trung Quốc của Mỹ liên quan Đài Loan.
“Chuyến thăm ấy, dù có xảy ra hay không, cũng sẽ không thay đổi hiện trạng hay quan điểm của Mỹ. Việc tuân thủ chính sách hiện hành của các bên đã được thảo luận trong cuộc điện đàm tuần trước giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình” - ông nói thêm.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng nếu “Trung Quốc cố gắng tạo ra một cuộc khủng hoảng nào đó hoặc làm leo thang căng thẳng, thì điều đó hoàn toàn do Bắc Kinh”, tờ South China Morning Post đưa tin.
“Chúng tôi không biết bà Pelosi dự định làm gì, nhưng đó hoàn toàn là quyết định của bà ấy và là điều mà chúng tôi tôn trọng theo cách này hay cách khác” - ông Blinken nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục lên tiếng cảnh báo. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi sẽ là “sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc”, đồng thời cảnh báo việc đó sẽ dẫn đến “những diễn biến và hậu quả rất nghiêm trọng”.
Ông Triệu còn nhấn mạnh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) “sẽ không bao giờ ngồi yên, và Bắc Kinh sẽ có những phản ứng kiên quyết và các biện pháp đối phó mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Khi được hỏi liệu PLA có thể áp dụng những biện pháp gì, ông Triệu nói: "Nếu bà ấy dám đi, chúng ta hãy chờ xem”.