Quản hay siết margin?

(ĐTTCO) - Dự thảo đưa tỷ lệ ký quỹ margin từ 50% lên 60% là một trong những chủ đề “hot” trên TTCK những ngày qua. 
Quản hay siết margin?
Nhưng ngoài việc đặt ra các giả thiết về ảnh hưởng của dự thảo này đến với thị trường nếu được áp dụng, cũng cần xem xét một vài khía cạnh liên quan đến việc quản lý margin.
Thuyết phục bằng số liệu?
Một trong những căn cứ quan trọng để UBCKNN đưa ra dự thảo này chính là diễn biến của thị trường trong thời gian qua đã tăng mạnh, cả về chỉ số cũng như quy mô giao dịch. Nhưng định lượng margin bao lâu nay vẫn chỉ mang tính chất tương đối, tại thời điểm này rất khó để có được số liệu chuẩn xác, có cơ sở rõ ràng về quy mô của dòng tiền margin.
Các CTCK thực chất cũng chỉ biết margin dựa vào số lượng khách hàng của mình và cũng không nắm được toàn cục. Và một thắc mắc ở đây là hoạt động margin đã và đang được kiểm soát chặt chẽ, nhưng vẫn không thấy cơ quan quản lý công bố hoặc đưa ra những thống kê tổng quát hoặc chi tiết. Vẫn biết rằng, margin biến động từng ngày nên đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối và nhanh chóng là không thể. Nhưng càng nhiều số liệu, càng rõ ràng thì NĐT lại có nhiều cách thức để tham khảo, tham chiếu.
Khi thị trường thanh khoản dồi dào, thậm chí nhờ margin nên mới gia tăng đáng kể thì việc kiểm soát là phù hợp. Vậy đến khi thanh khoản thị trường giảm, dòng tiền nóng giảm sút, sự sôi động không còn thì ứng xử với dòng tiền margin như thế nào? Tức là khi nhận thấy có nhiều tiền nóng, cơ quan quản lý có thể tính đến giải pháp kiểm soát chặt, thậm chí siết, rồi đến khi hạ nhiệt liệu có nới ra hay không? Nếu chọn hướng đi này càng cần có nhiều số liệu, những công cụ đo lường và công bố để NĐT cảm thấy thuyết phục hơn.
Ngoài chuyện cơ sở và số liệu, một vấn đề khác cũng đáng bàn hơn đó là việc lách tỷ lệ ký quỹ của một số CTCK. Giới đầu tư kỳ cựu đều không lạ gì những chiêu trò lách luật, được truyền miệng nhau thay vì có 1 đồng chỉ được vay tối đa 1 đồng (tỷ lệ ký quỹ tối đa 50%), thì có thể nâng thành có 1 đồng vay thêm 2 đồng (tỷ lệ ký quỹ chỉ còn hơn 30%)…
Câu hỏi đặt ra ở đây nếu tỷ lệ ký quỹ tối thiểu được nâng lên 60%, CTCK còn có thể lách được nữa hay không? Có giả thiết rằng, việc tỷ lệ ký quỹ được nâng lên các CTCK có lách luật cũng phải nhìn trước ngó sau kỹ hơn, tức trước đây cho ký quỹ tối thiểu chỉ 30% giờ phải nâng lên 40%.
Điều này thực ra cũng chỉ là phỏng đoán, vì việc xé rào này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, chẳng hạn NĐT có nhu cầu thì tìm CTCK đáp ứng. Quan trọng hơn là nếu phương án của UBCKNN chỉ có kết quả như vậy thì không có tính răn đe thực sự đến ý định lách luật hay không?

CTCK có thể tự quản?
Có lẽ cũng cần đặt ra thêm UBCKNN nên quản chặt hoạt động margin bằng cách tăng cường giám sát hay đưa ra những quy định dựa trên các con số để kiểm soát? CP nóng là một trong những tác nhân khiến cho thị trường biến động mạnh và đi kèm theo đó là các rủi ro, và CP nóng cũng chính là mục tiêu cho hoạt động vượt rào cấp margin.
Những năm gần đây, không chỉ có CP đầu cơ, penny hay mid cap mới là CP nóng, mà ngay cả một số blue chips cũng có thời điểm được dòng tiền đầu cơ đổ vào. Và trong việc cấp margin, blue chips thường được xem là an toàn nên nếu CTCK có “phóng tay” cho vay margin nhiều ở nhóm CP này cũng không lấy gì làm lạ. Nhưng khi blue chips trở thành CP nóng còn “đáng sợ” hơn, vì dòng tiền lớn tập trung và blue chips có thể tác động mạnh đến chỉ số chứng khoán. 
Nên chăng, cần tính đến phương án giảm thiểu các hoạt động lách tỷ lệ ký quỹ margin hiện tại. Nghĩa là nếu tỷ lệ tối thiểu hiện nay là 50% thì không để CTCK nào có thể hạ xuống dưới mức này nữa. Điều này nếu được thực hiện cũng sẽ góp phần đáng kể trong việc hạ nhiệt CP nóng cũng như đảm bảo tính tuân thủ trên toàn thị trường. 
Có CTCK “lách” cũng có CTCK tuân thủ, thậm chí cao hơn cả quy định của cơ quan quản lý. Không phải CP nào được giao dịch ký quỹ mà CTCK cũng cấp margin với tỷ lệ 50%, có những CP tỷ lệ ký quỹ lên đến 60-70%.
Nghĩa là hiện thời, khi UBCKNN chưa nâng tỷ lệ margin một số CTCK với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống cũng đã kiểm soát rủi ro tương đối tốt. Thậm chí, mỗi CP tại mỗi thời điểm sẽ có tỷ lệ ký quỹ phù hợp khác nhau, mà điều này các CTCK nắm bắt rất tốt. Các CTCK lớn, có ý thức tuân thủ, trình độ nghiệp vụ và công nghệ cao đều có thể tự quản được hoạt động margin. Còn với những trường hợp lách luật, khi cơ quan quản lý tăng cường giám sát chặt, mà vẫn cố tình vi phạm thì cần có những xử phạt mạnh tay, hoặc cũng chính các CTCK này phải tự chịu rủi ro do mình gây ra. 

Thị trường phản ứng tiêu cực với thông tin siết margin

Phiên giao dịch hôm qua 17-1, Vn Index bất ngờ sụt giảm mạnh với số điểm giảm lên đến 28,27 điểm (tương đương 2,66%) xuống còn 1.034,69 điểm. Đây có thể xem là phiên giảm điểm mạnh nhất của thị trường trong vài năm trở lại đây. Theo giới phân tích, phiên giảm điểm ngày 17-1 có thể xuất phát từ thông tin UBCKNN sẽ siết các hoạt động giao dịch ký quỹ (margin). Cụ thể, ngày 12-1, UBCKNN đã có văn bản gửi các CTCK về việc góp ý dự thảo Quyết định 87/QĐ-UBCK.
Theo đó, UBCKNN dự kiến đưa tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hoạt động margin trở về tỷ lệ trước đây, tức do CTCK quy định nhưng không được thấp hơn 60% (hiện tỷ lệ này do CTCK quy định nhưng không được thấp hơn 50%). 
Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), quy định mới này có thể vừa tạo ra tác động tích cực lẫn tiêu cực đối với TTCK. Về mặt tích cực, việc tăng trưởng tín dụng có tương quan thuận với VN Index. Margin là một kênh để dòng tín dụng chảy vào TTCK.
Việc tăng tỷ lệ ký quỹ ban đầu có thể là một cách để hạ nhiệt tăng trưởng tín dụng theo hướng NHNN đề ra trong năm 2018 với mục tiêu tăng trưởng tín dụng chậm lại còn khoảng 17%. Song song đó, yêu cầu này cũng là cách để bảo vệ NĐT và các CTCK. Ngược lại, Quyết định 87 cũng có những mặt kém tích cực.
Thứ nhất, do có tương quan thuận giữa tăng trưởng tín dụng và VN Index có độ trễ khoảng thời gian là 3 tháng nên khi điều chỉnh tăng trưởng tín dụng chậm lại thì rất có thể sẽ tác động đến tăng trưởng của VN Index.
Cùng với đó, các CTCK trên thực tế có những sản phẩm để đẩy tỷ lệ margin 1:1 hiện tại lên mức cao hơn chẳng hạn như mô hình margin "kim tự tháp" hay các sản phẩm "T+"… Do vậy, việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu có thể chưa chắc thể hiện được hết chức năng đảm bảo an toàn cho NĐT cũng như các CTCK.
Theo ước tính, lượng margin trên thị trường đã bắt đầu gia tăng từ quý IV-2016. Tính đến hết quý III-2017, lượng margin trên toàn thị trường ước tính có thể trên 50.000 tỷ đồng. Lượng margin này so với vốn hóa thị trường chỉ ở mức khoảng 4% nên không quá cao. Bên cạnh đó, quy định hiện hành cho phép các CTCK được cấp margin gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và hiện tại hầu như chưa có CTCK nào vượt tỷ lệ này.
Chính vì vậy, mặc dù lượng margin đang tăng nhưng có lẽ rủi ro chưa đến mức quá lớn và phản ứng của NĐT trong phiên hôm qua là quá thận trọng. Thực tế, dòng tiền vẫn đổ mạnh vào TTCK bất chấp làn sóng bán tháo của NĐT trong phiên giao dịch này. Theo thống kê, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Thảo Nguyên

Các tin khác