Những cuộc đụng độ
Hôm 15/6, một cuộc đụng độ đã xảy ra giữa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và quân đội Ấn Độ ở Thung lũng Galwan, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ gây thương vong đầu tiên giữa các binh lính Ấn Độ và Trung Quốc kể từ năm 1975.
Đến thời điểm cuối tháng 8, nhiều tin tức rộ lên về việc quân đội Ấn Độ đã triển khai một lực lượng du kích bí mật để đánh chiếm một vài cao điểm, vốn được cho là thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc, dọc theo bờ phía nam hồ Pangong nằm giữa biên giới hai nước.
Và gần đây nhất, ngày 7/9, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều cáo buộc bên kia đã “nổ súng khiêu khích” ở khu vực gần bờ nam hồ Pangong.
Thủ tướng Ấn Độ và Chủ tịch Trung Quốc. Ảnh: The Diplomat |
Những cuộc đụng độ này đã phá vỡ Thỏa thuận năm 1996 về các biện pháp xây dựng lòng tin giữa quân đội hai bên. Theo đó, hai nước cam kết “không bên nào được nổ súng, hủy hoại môi trường, sử dụng hóa chất nguy hiểm, hoặc tiến hành săn bắn bằng súng hoặc chất nổ trong bán kính 2km tính từ Đường Kiểm soát thực tế”.
Không thể cứu vãn?
Theo Abhijnan, một vấn đề đang trở nên hiện hữu là sau sự kiện ngày 7/9, dường như đã hết hy vọng cho một giải pháp ngoại giao giữa Ấn Độ và Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại biên giới hai nước.
Nhiều vòng đàm phán đối ngoại thuộc nhiều cấp độ khác nhau, từ cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên cấp cao Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì, cho đến các cuộc đàm phán giữa các thành viên nội các Ấn Độ và những người đồng cấp Trung Quốc, đều không thể tìm được lối thoát.
Abhijnan cho rằng, không nên kỳ vọng quá nhiều vào cuộc họp ngày 10/9 tại Moscow (Nga) giữa Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Bởi trước đó, hai người từng nói chuyện ngay sau vụ đụng độ ngày 15/6, nhưng không mang lại tiến triển gì.
Bộ trưởng Jaishankar tuần trước từng nói, quan hệ lâu dài của ông với người đồng cấp Vương Nghị, trước hết với tư cách một người làm trong ngành ngoại giao và sau đó là Ngoại trưởng Ấn Độ, sẽ giúp giải quyết vấn đề giữa hai nước.
Theo ông Abhijnan, điều này một lần nữa cho thấy niềm tin lâu đời vốn đã định hình chính sách đối ngoại của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Mối quan hệ cá nhân là điều tối quan trọng trong ngoại giao.
Thủ tướng Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tham gia 2 hội nghị thượng đỉnh không chính thức kể từ cuộc khủng hoảng biên giới ở Doklam vào năm 2017. Tổng cộng, hai nhà lãnh đạo đã gặp mặt trực tiếp 18 lần kể từ khi Thủ tướng Modi nhậm chức năm 2014.
Tuy vậy, theo Abhijnan, những cuộc gặp này không những không giảm bớt được căng thẳng suốt 4 tháng qua, mà còn không thể tạo điều kiện để hai nhà lãnh đạo có một cuộc đối thoại thẳng thắn nhằm ngăn chặn những rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ song phương.